Nhà thám hiểm Bertie Gregory và cộng sự chứng kiến tương tác kỳ lạ giữa cá voi lưng gù và cá voi sát thủ hồi tháng 1/2022 ở ngoài khơi đảo Adelaide, Nam Cực. Trước đó, họ di chuyển qua eo biển Drake ngăn cách giữa Nam Mỹ và Nam Cực để quay phim một quần thể cá voi sát thủ hiếm gặp có tên B1. Nổi tiếng với chiến thuật tạo sóng hất văng hải cẩu khỏi mặt băng, những con cá voi sát thủ Nam Cực có hệ gene riêng biệt này chỉ còn khoảng 100 cá thể.
Khi Gregory và đoàn quay phim cùng các nhà khoa học bắt đầu đi theo dõi một đàn B1 nhỏ săn hải cẩu, họ không hề biết trong khu vực không chỉ có cá voi sát thủ. Ban đầu, bầy cá voi sát thủ bao vây con hải cẩu Weddell nằm giữa một tảng băng lớn. Chúng bơi bên dưới tảng băng nhưng không tạo sóng xô như thường thấy mà tạo sóng xung kích dưới nước.
Nhờ drone trên cao, nhóm nghiên cứu theo dõi cá voi sát thủ làm vỡ tảng băng của hải cẩu từ bên dưới. Chiến thuật hiệu quả này khiến hải cẩu rơi xuống nước và cá voi sát thủ dành vài phút làm con mồi kiệt sức. Tuy nhiên, hai con cá voi lưng gù đột nhiên xuất hiện và phát ra âm thanh ầm ỹ như tiếng voi rống.
Các nhà khoa học bắt gặp cá voi lưng gù, loài chuyên ăn nhuyễn thể, quấy rầy cuộc săn của cá voi sát thủ nhiều lần. Do cá voi sát thủ đôi khi nhắm vào con non, cá voi lưng gù có thể đối đầu với động vật ăn thịt này khi thấy chúng đi săn. Trong trường hợp này, cá voi lưng gù xuất hiện quá trễ để xen vào, nhưng với tiếng rống không thể nhầm lẫn vào quyết định bơi thẳng vào giữa bầy cá voi sát thủ của chúng, Gregory tin chắc hai con vật đang tìm cách cản trở hành vi cuộc săn của kẻ thù, thậm chí bảo vệ hải cẩu.
Leigh Hickmott, nhà sinh vật học cá voi ở Đại học St. Andrews tại Scotland, người cộng tác với Gregory trong dự án nghiên cứu B1, cũng chung quan điểm. Hickmott cho rằng đó là dấu hiệu rõ ràng của lòng vị tha. Cá voi lưng gù sở hữu vây ngực và đuôi lớn có thể đập vào những động vật khác để tự vệ hoặc bảo vệ con non. Vây ngực của chúng cũng có mấu ở cuối vây, bao phủ bởi con hà, đóng vai trò như vũ khí sắc bén trong cuộc chiến.
Giới khoa học từng ghi nhận nhiều trường hợp cá voi sát thủ đâm sầm, đập vây và đẩy cá voi sát thủ. Những va chạm như vậy có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và bị thương, vì vậy cá voi sát thủ khá dè chừng cá voi lưng gù. Tuy nhiên, cá voi lưng gù Nam Cực không tác động vật lý mà chỉ bơi qua và rống to. Theo Hickmott, đó có thể là ví dụ của hành vi phá đám.
Tuy nhiên, bơi thẳng vào giữa bầy cá voi sát thủ vẫn rất nguy hiểm. Dường như cá voi lưng gù đang cố gắng cứu con mồi, hay ít nhất là ngăn cản những con cá voi sát thủ có được bữa ăn dễ dàng. Sau khi giết chết hải cẩu, con cá voi sát thủ cái đầu đàn ngoạm xác con mồi trong miệng và bơi về phía đôi cá voi lưng gù như thể khoe khoang chiến lợi phẩm.
An Khang (Theo National Geographic)