Đàn cá voi được báo cáo gặp nạn vào sáng sớm ngày 7/10. Theo phát ngôn viên Nonie Enolva từ Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR), việc đánh bắt cá bằng thuốc nổ của ngư dân có thể là nguyên nhân đẫn đến hiện tượng cá voi mắc cạn hàng loạt.
"Vùng biển xung quanh San Andres là một ngư trường rộng lớn. Chúng tôi không chắc chắn về nơi diễn ra hoạt động động đánh bắt cá bằng thuốc nổ. Nó có thể ở gần hoặc bên trong khu vực vịnh Lagonoy và kênh Maqueda", Enolva cho biết.
Ngay sau khi phát hiện đàn cá voi mắc cạn, chính quyền địa phương cùng với người dân và lực lượng cứu hộ bờ biển đã khẩn trương kéo các con vật ra vùng nước sâu bằng thuyền và sức người, trong một nỗ lực giải cứu kéo dài 10 giờ, nhưng một số con trong đó đã bơi trở lại phía khu rừng ngập mặn ven bờ.
BFAR cho biết ít nhất 9 con cá voi đã chết vào sáng hôm sau, ngày 8/10, và xác của 6 con khác cũng được tìm thấy vào cuối ngày. Hầu hết có những vết thương ở vây, lỗ thở và màng nhĩ. Các nhà chức trách đã đưa xác của những con cá voi lên bờ để thu thập mẫu và chôn cất.
Vụ việc này khiến chính quyền thành phố San Andres phải phát động một "chiến dịch huấn luyện" nhằm chuẩn bị cho người dân những kỹ năng để giải cứu cá voi mắc cạn trong tương lai. Ngư dân cũng được tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Cá voi đầu dưa (Peponocephala electra) là một loài cá voi có răng cỡ nhỏ, chỉ dài khoảng 2,75 m và nặng hơn 200 kg khi trưởng thành. Chúng phân bố rộng khắp các vùng biển sâu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới, nhưng hiếm khi được quan sát thấy gần bờ biển. Loài này có quan hệ họ hàng gần với cá voi hoa tiêu và cá hổ kình lùn.
Đoàn Dương (Theo Rappler)