Nghiên cứu công bố trên tạp chí Mammalian Biology của Đại học Tây Australia (UWA) cho thấy cá voi trơn phương nam con đôi khi bú trộm sữa từ con cái không phải mẹ ruột của chúng, Newsweek hôm 24/1 đưa tin.
"Hành vi bú trộm được quan sát ở hải cẩu và động vật có vú trên đất liền, bao gồm hươu, tuần lộc và hươu cao cổ, nhưng chưa từng thấy ở cá voi lớn", nghiên cứu sinh Kate Sprogis ở Viện hải dương học và Trường sinh vật học thuộc UWA, cho biết. "Hành vi chúng tôi quan sát ngoài khơi phía nam Australia là hoạt động trực tiếp và có chủ ý từ cá voi con và cá thể không phải mẹ ruột của nó".
Cá voi trơn phương nam sống ở Nam bán cầu, di cư giữa các khu vực kiếm ăn khi đổi mùa, theo Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA). Tuổi thọ của chúng nhiều khả năng tương tự cá voi trơn Bắc Thái Bình Dương và Bắc Đại Tây Dương, ít nhất là 70 năm. Cá voi cái sinh con 3 - 4 năm/lần với thời kỳ mang thai kéo dài một năm. Con non thường ở cùng mẹ trong năm đầu sau sinh.
Rất dễ hiểu tại sao hành vi bú trộm xảy ra, điều này có thể cung cấp thêm sữa và dưỡng chất cho cá voi con. Tuy nhiên, nó có ảnh hưởng tiêu cực đến mẹ ruột của chúng bởi cá voi cần cung cấp sữa cho con non ruột thịt. Đó là vì bản thân cá voi mẹ không kiếm ăn cho tới khi kết thúc thời kỳ nuôi con.
Theo Sprogis, cá voi mẹ không thể bổ sung nguồn dự trữ năng lượng đã mất. Cuối thời kỳ nuôi con, cá voi mẹ đang cho con bú cần di cư trở lại nơi kiếm ăn. Đối với cá voi trơn phương nam, đây là một hành trình di cư dài từ Australia tới những quần đảo cận Nam Cực hoặc Nam Cực, nơi cá voi cái nạp lại năng lượng bằng cách ăn động vật không xương sống nhỏ như giáp xác chân chèo và nhuyễn thể.
Phát hiện trên có ý nghĩa quan trọng bởi cá voi trơn phương nam bị đe dọa theo Luật bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường Australia. Tìm hiểu con non phát triển như thế nào góp phần rất cần thiết vào nỗ lực bảo tồn.
Cá voi trơn phương nam đang đối mặt một số mối đe dọa, bao gồm số lượng sụt giảm. Trước thập niên 1960, chúng bị săn bắn khiến số lượng giảm mạnh. Từ sau đó, quần thể đang phục hồi cực chậm. Chúng có nguy cơ bị mắc lưới đánh cá, ảnh hưởng tới khả năng bơi và kiếm ăn. Chúng cũng phải đương đầu với hiểm họa từ tàu thủy, môi trường sống bị phá hủy và biến đổi khí hậu.
An Khang (Theo Newsweek)