Xác cá voi mới nhất, dài hơn 14 m, được tìm thấy trên một bãi biển gần công viên Fort Funston ở phía tây nam San Francisco vào hôm 23/4. Các nhà chức trách đã xác định được đây là một con cá voi vây, động vật lớn thứ hai còn tồn tại trên Trái Đất sau cá voi xanh. Trong khi đó, cả bốn con cá voi chết dạt vào vịnh từ ngày 31/3 đến 8/4 đều là cá voi xám.
Tháng 4 là thời điểm cá voi bắt đầu di cư lên phía bắc để kiếm ăn nên việc nhìn thấy xác của chúng trong vịnh San Francisco không phải quá bất thường. Tuy nhiên, tần suất 5 con trong vòng chưa đầy một tháng là chưa từng thấy và điều đó đang khiến các nhà khoa học lo lắng.
Nguyên nhân gây ra cái chết của cá voi vây vẫn chưa được hiểu rõ. Theo Trung tâm Động vật biển có vú (MMC) ở California, ba khả năng cao nhất là do va chạm với tàu thuyền, nuốt nhầm ngư cụ bỏ đi, hoặc thiếu hụt thức ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Tiến sĩ Jeff Boehm từ MMC giải thích thêm, tình trạng thiếu thức ăn có thể liên quan đến biến đổi khí hậu. Cá voi thường di cư lên phía bắc vào mùa xuân để kiếm ăn trong các vùng nước lạnh. Tuy nhiên, hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể tác động đến sự phong phú của các nguồn thức ăn ưa thích, khiến chúng bị đói suốt nhiều tháng.
Cá voi vây (Balaenoptera physalus) phân bố ở tất cả các đại dương trên thế giới từ biển nhiệt đới đến vùng cực, nhưng hiện bị phân loại "sắp nguy cấp" trong Sách Đỏ IUCN. Loài này có thể phát triển tới chiều dài 25 m và nặng hơn 60 tấn. Mẫu vật chết dạt vào vịnh San Francisco vào tuần trước là một con chưa trưởng thành.
Đoàn Dương (Theo SF Gate)