Các nhà khoa học tại Đại học Liverpool, Anh, phát hiện cá vàng sống dưới đáy những ao, hồ bị đóng băng vào mùa đông không có cơ hội tiếp cận với khí oxy trong thời gian dài. Nhưng chúng vẫn sống sót được nhờ quá trình trao đổi chất độc đáo, bằng cách làm máu tràn ngập rượu, theo International Business Times.
Nhờ quá trình sản xuất ethanol, cá vàng duy trì hô hấp kỵ khí để tồn tại. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports hôm 11/8.
Con người cũng có khả năng hô hấp kỵ khí. Ví dụ, một vận động viên chạy nước rút có thể di chuyển trên toàn bộ cuộc đua mà không cần thở. Hô hấp kỵ khí ít hiệu quả hơn nhiều so với hô hấp hiếu khí sử dụng oxy, đồng thời nó cũng tạo ra sản phẩm phụ là axit lactic. Đây là nguyên nhân gây ra đau cơ sau khi chúng ta tập thể dục. Việc tích tụ quá nhiều axit lactic hoặc lactat sẽ làm máu bị nhiễm độc.
Vì vậy, để loại bỏ axit lactic, cá vàng đã tiến hóa một con đường trao đổi chất đặc biệt trong nhà máy năng lượng điện của tế bào gọi là ty thể. Nó vẫn hoạt động trong trường hợp thiếu vắng oxy. Con đường trao đổi chất này chuyển axit lactic thành ethanol. Sau đó, ethanol khuếch tán qua các tế bào tới mang cá và cuối cùng bị đào thải vào trong nước.
"Đây là một lượng lớn rượu trong cơ thể cá vàng. Con cá giống như bị say rượu trong ba tháng và vẫn sống sót", Michael Berenbrink, tác giả nghiên cứu, cho biết.
Khả năng sản xuất ethanol theo cách trên rất hiếm trong tự nhiên. Nó chỉ xuất hiện ở các vi sinh vật như nấm men, ấu trùng muỗi, một số loài giun và rễ cây. Kết quả nghiên cứu cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về đặc tính sinh học của cá vàng, đồng thời giúp ích cho việc nghiên cứu độc tính của rượu đối với con người trong tương lai.
"Tôi không muốn khuyến khích mọi người uống rượu nhiều hơn. Nhưng cá vàng có thể cho chúng ta biết những điều mới mẻ về ảnh hưởng độc hại và không độc hại của rượu", Berenbrink nói.
Lê Hùng