Buffalo Niagara Waterkeeper (BNW), tổ chức phi lợi nhuận nhằm bảo vệ và phục hồi môi trường nước của sông Niagara và hồ Erie, bắt được cá vàng ngoại cỡ trên sông Niagara, bang New York, Mỹ. Bức ảnh Marcus Rosten, nhân viên tại BNW, dùng hai tay nâng con cá dài 36 cm thu hút sự chú ý lớn khi được đăng trên mạng xã hội hôm 14/6.
Nhiều khả năng đây là vật nuôi của một gia đình được thả ra trái phép hoặc sống sót sau khi bị vứt xuống đường nước thải. Năm 2013, người ta từng bắt được con cá vàng lớn hơn dưới hồ Tahoe, bang California. Nó nặng hơn hai kg và dài gần 61 cm.
Cá vàng (tên khoa học Carassius auratus auratus) là sinh vật bản địa của miền đông châu Á, thuộc họ cá chép. Chúng thường dài 3-5 cm khi sống trong bể cá, tối đa khoảng 15 cm, theo Cơ quan bảo vệ môi trường New York (DEC). Tuy nhiên, khi được thả ra tự nhiên, cá vàng thường dài tới 31-36 cm.
Loài vật này được phát hiện trên sông hồ New York lần đầu tiên vào năm 1842. Hơn 10 bang khác cũng tìm thấy cá vàng sống ngoài tự nhiên cuối thế kỷ 19.
Ngày nay, cá vàng sinh sống tại nhiều sông và hồ trên khắp bang New York. Đây là hậu quả của việc thả vật nuôi trái phép hoặc cá vàng chạy thoát từ xô đựng mồi câu, theo DEC. Loài vật này sinh sản rất nhanh. Vài con cá vàng thả xuống một hồ nước ở Colorado năm 2012 biến thành hàng nghìn con chỉ sau ba năm.
Cá vàng ngoại lai xâm lấn cạnh tranh trực tiếp với cá bản địa. Với số lượng lớn, chúng ảnh hưởng tới sự đa dạng sinh học tự nhiên trong các môi trường nước ngọt. Số lượng cá vàng sống trong Ngũ Đại Hồ của Bắc Mỹ ước tính lên tới hàng chục triệu con.
Thu Thảo (Theo Live Science)