Đầu tháng 6, bài Fever của tlinh và Coldzy - có gần 800.000 lượt nghe trên YouTube - bị khán giả nhận xét phản cảm vì quá sexy. Trên TikTok, Fever được sử dụng làm nhạc nền cho 4.185 video. Trước đó, nhiều bản rap của Binz, Big Daddy, Andree có ca từ ẩn ý hoặc công khai về chuyện tình dục, được giới trẻ ưa thích.
Không chỉ với rap, nhiều tác phẩm pop, ballad của các tên tuổi hoạt động lâu năm như Văn Mai Hương, Bích Phương từng vướng tranh cãi. Văn Mai Hương có bài Martini (Hứa Kim Tuyền sáng tác) nói về chuyện một cặp tình nhân thân mật, ở bên nhau từ đêm đến sáng. Bích Phương có bài Đố anh đoán được (Tiên Cookie, Phạm Thanh Hà, Phúc Du sáng tác), lời ẩn ý về chuyện ân ái. Hay bài Sashimi (Hứa Kim Tuyền viết, Chi Pu thể hiện) có từ tiếng Nhật "kimochi", vốn chỉ sự thỏa mãn khi quan hệ, thường xuất hiện trong các phim cấp ba. Martini, Đố anh đoán được và Sashimi có lượt xem trên YouTube lần lượt là 1,5 triệu, 7,6 triệu và 4,2 triệu.
Không chỉ vậy, một số ca sĩ, nhạc sĩ còn đặt tên ca khúc theo cách nói lái, khiến khán giả cho rằng không phù hợp giới trẻ như: Thu dẩm (LK), Như lời đồn (Bảo Anh).
Việc phát hành ca khúc gợi dục từng ảnh hưởng tên tuổi nghệ sĩ. Năm 2022, sau khi ra bài Sashimi, Chi Pu phải xin lỗi khán giả, hủy ra album sau khi hứng nhiều chỉ trích về ca từ và hình ảnh trong MV.
Nhiều chuyên gia nhận định nghệ sĩ trẻ có thể thỏa sức sáng tạo nhưng cần ý thức hơn về sức ảnh hưởng của ca từ. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng hiện tượng nhạc rác tràn lan là hệ quả của việc mạng xã hội phát triển, nghệ sĩ và khán giả dễ chia sẻ sản phẩm, tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Ngoài các trang nhạc trực tuyến, khán giả giờ có thể nghe đoạn trích ngắn của các ca khúc trên TikTok, Facebook hay YouTube.
"Nghệ sĩ thế hệ trước vốn phải cẩn trọng vì nếu ca từ, nội dung không ổn, các hãng đĩa sẽ lập tức từ chối phát hành. Ngày nay, họ có thể tự thu âm, làm MV rồi đăng lên mạng. Mà các bản nhạc vui tai thường dễ tạo xu hướng, dù ca từ thô tục, nhạy cảm", ông Quang Long nhận định.
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang phân tích hiện tượng bắt nguồn một phần từ việc lai căng văn hóa Âu Mỹ qua việc thản nhiên đề cập đến chuyện quan hệ tình dục. Ngoài ra, ông Giang cho rằng nhiều nhạc sĩ ngày nay vừa thiếu kiến thức học thuật, lại không được bồi dưỡng trong quá trình sáng tác, dẫn đến việc viết ca khúc thiếu cảm xúc, nhảm nhí, chắp vá.
Theo luật, hành vi phát hành những MV dung tục, trái thuần phong, mỹ tục có thể bị xử phạt tiền lên đến 40 triệu đồng, đồng thời bị buộc gỡ bỏ MV trên tất cả nền tảng đã phát hành.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Long nhận định các biện pháp, khung xử phạt hiện nay chưa đủ răn đe. "Nếu tiếp tục buông lỏng, không có sự kiểm soát chặt chẽ hơn, tôi nghĩ tình trạng này sẽ ngày một khó chấm dứt".
Một số nghệ sĩ từng bị phạt hoặc cảnh cáo vì ca từ phản cảm, gần nhất là B-Ray với bản rap trù ẻo phụ nữ - Để ai cần. Nhóm Rap Nhà Làm bị phạt 35 triệu đồng vì sản phẩm xúc phạm tôn giáo. Hay rapper Chị Cả từng bị phạt 45 triệu đồng vì viết bản rap Censored, nói về quan hệ bố chồng - con dâu. Hashtag liên quan ca khúc từng có 720.000 lượt xem từ các video, sau đó bị TikTok Việt Nam gỡ bỏ. Trường hợp bị phạt là các ca khúc thô tục điển hình, còn ở làng nhạc vẫn nhiều bài hát nhạy cảm được phát hành công khai.
Có 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong làng hip-hop, rapper Hà Lê nhìn nhận phóng khoáng hơn với các sản phẩm của đàn em. Anh cho rằng nghệ sĩ có quyền đề cập những chủ đề về giới tính, tình cảm nhưng cần chủ động dán nhãn cảnh báo cho ca khúc, cả khi luật hiện hành không yêu cầu.
"Việc đề cập đến chuyện ân ái trong bài hát không sai. Đó là chủ đề muôn thuở của văn học, thi ca và âm nhạc. Tuy nhiên, nếu viết về những chủ đề thầm kín, nghệ sĩ nên có trách nhiệm dán nhãn 18+ hay 16+ để cảnh báo khán giả", Hà Lê nói.
Thanh Thanh