“Ngoài 60% diện tích nuôi cá tra theo “chuẩn VietGAP” thuộc sở hữu của các doanh nghiệp, phần lớn đã có thị trường tiêu thụ ổn định, 40% diện tích cá tra đạt “chuẩn VietGAP” của hộ nông dân vẫn chưa có đầu ra đảm bảo”, thạc sĩ Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhận định.
Song, trên thực tế, các doanh nghiệp lại cho rằng, ngoài những thị trường cũ, họ vẫn rất khó khăn trong việc mở rộng sang các thị trường mới do “chuẩn VietGAP” chưa được thế giới công nhận.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp(QUACERT), “chuẩnVietGAP” hiện chỉ mới có giá trị đối với thị trường trong nước, nên không thể thay thế hoàn toàn các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, EU...
Do đó, “chuẩn VietGAP” chỉ là nền tảng cơ sở để người nuôi cá tra trong nước tiến tới thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế khác như GlobalGAP, chứng nhận ASC...
“Thế nên, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm cá tra đạt giá trị cao thì phải tùy vào từng thị trường tiêu thụ mà phản ứng cũng như tìm hiểu kỹ các rào cản kỹ thuật của họ để điều chỉnh tiêu chuẩn chất lượng cho phù hợp, theo kiểu nhập gia tùy tục, chứ không thể dựa vào mỗi “tấm lệnh bài” VietGAP”, bà Lý nhận định.
Đứng về phía doanh nghiệp, ông Phạm Đặng Hữu Thành, Phó tổng giám đốc Công ty Biofeed, cũng cho biết, hiện Biofeed đang có khoảng 100ha sản xuất cá tra theo “chuẩn VietGAP” tại Vĩnh Long.
Trong đó, 30ha sản xuất con giống và 70ha sản xuất cá tra thương phẩm. Nếu tính về chi phí sản xuất thì việc áp dụng “chuẩn VietGAP” không cao hơn so với bình thường là mấy.
Tuy nhiên, cái khó đối với doanh nghiệp hiện nay là chưa thể đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của nhiều thị trường bằng tiêu chuẩn VietGAP. “Nhưng, sản xuất sạch, an toàn là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam và thế giới.
Theo đó, việc thực hiện “chuẩn VietGAP” là điều cần thiết để dần thay đổi tập quán sản xuất, suy nghĩ của nông dân cũng như doanh nghiệp về sản xuất bền vững”, ông Thành khẳng định.
Trong khi doanh nghiệp có thừa khả năng áp dụng“chuẩn VietGAP” trong nuôi trồng, chế biến cá tra, thì đây lại là trở lực đối với nông dân, bởi việc chuyển đổi từ nuôi cá đơn thuần sang nuôi theo “chuẩn VietGAP” không phải dễ, do cơ sở vật chất, như: ao nuôi, hầm xử lý nước thải, tập quán sản xuất... của người dân đã được xây dựng từ nhiều năm trước, nên khi xây dựng lại theo chuẩn VietGAP sẽ tốn kém nhiều.
Vậy nên, khi tiêu “chuẩn VietGAP” được thông qua vào năm ngoái, nhiều nông dân không đủ vốn để cải tạo hệ thống ao nuôi phát triển theo chuẩn này, dẫn đến tình trạng phát triển sản xuất cá tra theo “chuẩn VietGAP” trong nông dân còn rất bấp bênh và chưa được nhiều người hưởng ứng.
Trước thực tế cá tra “chuẩn VietGAP” đang khó tìm đầu ra, thạc sĩ Lý lại cho biết, kỳ vọng mức giá cao cho cá tra “chuẩn VietGAP” sẽ không là chuyện quá khó nếu biết chấp nhận trải qua quá trình xây dựng thương hiệu.
Đồng thời, các cơ quan chức năng phải hình thành cho được chuỗi giá trị gia tăng như nhà hàng, siêu thị... tiêu thụ trong nước cũng như thị trường xuất khẩu sản phẩm VietGAP.
Từ đó, doanh nghiệp mới có cơ sở cam kết thu mua sản phẩm cá tra “chuẩn VietGAP” của nông dân với mức giá cao, thúc đẩy nông dân tuân thủ những tiêu chuẩn kỹ thuật đã đặt ra như VietGAP, GlobalGAP.
(Doanh nhân Sài Gòn)