Hai ngày sau trận lũ làm nhiều ngôi nhà bị sập, người dân ở thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng.
“7 năm rồi mới có cơn lũ hung dữ như vậy. So với đợt lũ tháng 5/2011, cơn lũ này nước ngập nhanh hơn. Bây giờ nước đã rút, nhưng đêm nằm ngủ tôi vẫn giật mình mỗi khi trời đổ mưa, lo lũ về", chị Nguyễn Thị Huyền ở khối 4 thị trấn Mường Xén kể.
Trưa 17/8, chị Huyền đang ngồi bán hàng tạp hóa sát mặt quốc lộ 7 thì nghe tiếng nước ào ào chảy vào nhà. Nghĩ mưa lớn, nước tiêu không kịp, chị gọi người bê một số vật dụng ở nền nhà lên gác. Dọn được vài hộp bánh kẹo, thấy nước dâng cao, biết là lũ, chị vội hô hoán người hàng xóm tháo chạy.
“Hai chiếc tủ lạnh được mọi người hỗ trợ khênh ra đường đưa lên xe chuyển tới nhà người thân ở cách đó nửa cây số. Chiếc máy phát điện nặng quá nên mọi người chỉ kịp khênh qua nhà bưu điện cách đó vài chục mét. Sau gần một giờ, nước đã nhấn chìm giường ngủ và nhiều đồ đạc trong nhà”, chị Huyền kể.
Chạy ra ngoài quốc lộ 7, chị Huyền mới thấy nước từ sông Nậm Nơn đục ngầu dâng cao, cuồn cuộn đổ vào xóm làng. Bình thường trong mắt chị cũng như người dân nơi đây, dòng sông bắt nguồn từ Lào, chảy qua Kỳ Sơn, Tương Dương và hợp lưu với nhánh Nậm Mộ để đổ về sông Lam, rất hiền hòa.
Hơn một giờ sau, nước tràn vào nhà chị Huyền đã dâng cao một mét. Chính quyền yêu cầu gia chủ rời nhà đến nơi an toàn. Chiều cùng ngày, khi nước rút, chị Huyền trở về thấy lớp bùn đất cao gần nửa mét tấp lên giường.
Ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Viễn thông huyện Kỳ Sơn cho hay, tầng một trụ sở cơ quan nằm cao hơn nửa mét so với mặt quốc lộ 7 và các hộ dân xung quanh, song nước lũ dâng nhanh khiến hai máy nổ và nhiều thiết bị bị ngập.
“Gần chục năm làm việc tại thị trấn này, đây là lần đầu tôi chứng kiến trận lũ lớn như vậy. Hơn một giờ mà cả thị trấn bị chìm trong biển nước đục ngầu”, ông Quang nói.
Trực tiếp tham gia giúp dân chạy lũ, đại úy Nguyễn Bình (Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn) kể, nhận được tin nước lũ tại khối 4 thị trấn Mường Xén bắt đầu dâng cao, đơn vị huy động hàng chục người chia thành nhiều nhóm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sơ tán đồ đạc, hướng dẫn người dân đến nơi an toàn.
“Khối lượng vật dụng cần di dời rất lớn, trong khi nước lũ lại lên nhanh là một thử thách. Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén bị ngập 3 m, may mắn tài liệu và dụng cụ học tập cần thiết của thầy cô và học sinh đã được di tản lên tầng hai”, đại úy Bình nói.
Cơn lũ bất ngờ đã cướp đi 6 sinh mạng ở huyện Kỳ Sơn. Trong đó cháu Cụt Văn Thôn (11 tuổi, trú xã Chiêu Lưu) khi đang cùng tốp người dân địa phương băng qua suối đã bị lũ cuốn trôi.
Tại xã Tây Sơn, em Hạ Bảo Cu (10 tuổi) cùng mẹ trên đường đi rẫy trở về nhà thì bị ngọn núi cao hàng chục mét đổ ập, người mẹ thoát chết, người con bị vùi lấp sau một ngày mới tìm thấy thi thể. Cùng thời điểm, ông Mòong Phò Khuôn (trên 50 tuổi ở xã Mường Ải) đang ngồi tại nhà rêng cũng bị lũ cuốn cả người và nhà xuống sông Nậm Típ...
Lũ đã làm gần 250 nhà dân bị ngập, trong đó gần 20 nhà sập hoàn toàn, nhiều hộ phải di dời khẩn cấp. Nhiều tuyến đường hư hỏng nghiêm trọng, hàng trăm hecta hoa màu, cây ăn quả, gia súc và gia cầm bị trôi theo dòng lũ...
Ông La Văn Chánh, Phó chủ tịch huyện Kỳ Sơn cho hay, phải nhiều năm rồi địa phương mới chịu thiệt hại lớn bởi cơn lũ hung dữ như vậy. “Mưa ở địa bàn chưa lớn, song nước lũ từ Lào đổ về khiến nhiều người dân bị bất ngờ. Địa hình hiểm trở với nhiều sông suối, đời sống nhân dân còn khó khăn nên không thể liên lạc kịp thời để phòng tránh nên chịu nhiều thiệt hại”, ông Chánh phân tích.
Sáng nay, nước lũ ở trung tâm thị trấn Mường Xén đã rút, tuy nhiên nhiều xã vùng sâu của huyện vẫn đang bị chia cắt hoàn toàn do đường giao thông hư hỏng, nước ở nhiều khe suối nhỏ vẫn đang chảy xiết.
Trước mắt chính quyền huyện đã kiến nghị trực tiếp với UBND tỉnh hỗ trợ để sớm khắc phục đường giao thôn.
Sớm 17/8, khi vào vùng biển Nam Định - Thanh Hóa, bão Bebinca đã suy yếu; 5h sáng đổ bộ vào miền Tây Thanh Hóa chỉ còn là áp thấp nhiệt đới, cường độ cấp 6-7. Áp thấp nhiệt đới sau đó sang Lào, gây mưa rất to.
Gió bão không gây thiệt hại, nhưng mưa trong và sau bão, kết hợp với lũ từ Lào đổ về đã gây ngập lụt cho nhiều huyện ở Nghệ An. Tại Thanh Hóa, hoàn lưu bão gây mưa lớn, khiến nhiều bản làng ở miền núi bị chia cắt.
Thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đến sáng nay, mưa lũ đã làm 10 người chết (2 người ở Sơn La, 2 người Thanh Hóa, 6 người Nghệ An) và 2 người bị mất tích (ở Sơn La, Thanh Hóa).