Trước đây, chồng chị vẫn lái xe đưa cả gia đình đi chúc Tết, gặp mặt bạn bè, mỗi nơi anh đều uống chút rượu bia, chỉ là "không dám say". Nhưng những ngày trước Tết, thấy tuyến đường nào cũng có các chốt kiểm tra nồng độ cồn, anh Hồng Quân, 48 tuổi ở Hải Phòng, không dám đụng đến giọt rượu nào nữa.
Làm trong ngành vận tải biển, dịp Tết anh không thể tránh được những cuộc gặp gỡ đối tác, bạn bè, tiệc tùng liên miên. Anh Quân thuê tài xế riêng, nhưng 27 Tết phải cho nhân viên nghỉ, mỗi lần "buộc phải uống" anh gọi taxi hoặc nhờ bạn bè chở về. Thấy chồng vất vả chuyện đi lại, chị Hoa quyết định sẽ thành tài xế riêng cho chồng.
Vợ chồng chị thỏa thuận, nếu tiếp khách, anh Quân đặt taxi chiều đi, tan tiệc nhắn địa chỉ để vợ đến đón. Riêng khi đi chúc Tết bố mẹ, họ hàng, vợ đảm nhận hoàn toàn việc cầm lái bởi trong người anh chồng lúc nào cũng có hơi men.
"Tối mùng 3 Tết, gặp chốt kiểm tra nồng độ cồn, tôi tự tin thổi trong khi chồng ngà ngà say ngồi bên ghế phụ", người phụ nữ 45 tuổi nói. Các anh công an cho biết cũng gặp một vài trường hợp vợ lái xe thay chồng. Hóa ra nhiều gia đình cũng giống nhà chị Hoa.
![Chị Hoa lái xe đưa chồng về nhà sau khi cùng cả gia đình đi chúc Tết họ hàng hôm mùng 5 Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/01/29/img-5874-jpg-1674974314-4098-1674975429.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4wN_WzYzjWh4sI7ISxWoNQ)
Chị Hoa lái xe đưa chồng về nhà sau khi đi chúc Tết hôm mùng 5 Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cuối năm là dịp vợ chồng chị Phương Huyền, 40 tuổi, ở Hà Nội thường xuyên phải về quê nội, ngoại ở Hải Dương và Hưng Yên để giỗ chạp, chúc Tết.
Thấy chồng liên tục từ chối lời mời uống rượu vì phải lái xe, sau bị họ hàng quở trách bởi "có chén rượu cũng không dám uống", chị Huyền đề nghị lúc về thành phố sẽ cầm lái. Ban đầu anh chồng không đồng ý vì lo vợ không quen lái xe đường dài. Nhưng nếu chị không lái, hai vợ chồng buộc phải ở lại quê thêm ít nhất một ngày hoặc chọn đi xe khách.
"Đi xe ngoài bất tiện, giờ giấc lại phụ thuộc, trong khi hai vợ chồng đều có bằng lái. Mệt đâu thì nghỉ đó, miễn là về quê không để ai mất lòng mà vẫn đảm bảo an toàn", chị Huyền phân tích với chồng. Kể từ Tết năm nay, vợ chồng chị quyết định áp dụng cách thức này mỗi lần về quê hoặc khi ăn uống, tụ tập bạn bè ở thành phố.
Cũng nhờ quyết định này, chồng của chị Hoa, chị Huyền đã không có tên trong số 80.600 tài xế bị xử phạt vì lỗi điều khiển phương tiện khi trong máu có nồng độ cồn, trong đợt cao điểm kiểm tra của Cục Cảnh sát giao thông, từ 15/11/2022 đến 5/2/2023.
Thống kê của cơ quan chức năng, riêng từ ngày 15/12/2022 đến 12/1/2023, thời điểm các cơ quan, doanh nghiệp tổng kết, tổ chức tiệc cuối năm, hơn 40.500 trường hợp bị xử phạt. Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, chỉ riêng trong 7 ngày Tết Quý Mão 2023, cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý hơn 7.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhiều gấp 6 lần năm ngoái.
Cũng nhờ đó, số vụ tai nạn giao thông trong Tết 2023 giảm 31,84%; giảm 36,43% số người chết và 47,64% số người bị thương so với Tết 2019. Nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) ghi nhận số vụ tai nạn giao thông do rượu, bia, nhập viện giảm mạnh so với các năm trước.
Việc tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông trong Tết năm nay giúp nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 (Công an Hà Nội) cho biết trong quá trình thành lập các tổ kiểm tra, xử lý, một số lái xe có suy nghĩ có thể nhờ vả, xin được nên chủ quan, vi phạm. Nhưng sự cương quyết của lực lượng cảnh sát cùng với mức phạt tương đối nặng, đặc biệt là với ôtô, ý thức của người dân đã được nâng cao, đã uống rượu bia thì không lái xe.
"Trong đợt du xuân này, hầu như xe nào cũng có một người không uống bia, rượu để lái", thiếu tá Chinh nói.
Cơ quan chức năng cũng ghi nhận sự thay đổi tích cực của người dân, ví dụ vợ lái xe hay nhiều cơ quan đoàn thể đầu năm khi đi du xuân cũng chủ động thuê xe thay vì phương tiện cá nhân để đảm bảo nếu có uống bia, rượu trong quá trình tham gia giao thông vẫn an toàn.
Không chỉ lái xe ôtô, nhiều người đi xe máy cũng bắt đầu thay đổi. Thấy nhiều bạn bè than phiền bị xử phạt khi bất ngờ kiểm tra nồng độ cồn, mỗi khi đi liên hoan cùng bạn bè, đồng nghiệp ông Đức Nghĩa, 60 tuổi, ở Đồng Nai thường đặt xe công nghệ hoặc nhờ vợ đến đón về.
Ngoài đảm bảo an toàn, ông nói việc thay đổi thói quen lái xe do sợ bị xử phạt hành chính bởi số tiền quá cao. "Lương mỗi tháng 4 triệu, giờ mức xử phạt tối đa đến 8 triệu đồng, lại còn treo bằng lái xe. Lỗi uống rượu lái xe tôi chưa thấy ai có thể xin tha hoặc giảm nhẹ tội nên xác định đã uống thì không lái xe", ông Nghĩa nói.
Theo quy định trong Nghị định 100, người đi xe máy (gồm cả xe máy điện) mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền từ 2-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10-24 tháng. Đối với người lái ôtô, mức xử phạt thấp nhất 6 triệu đồng, cao nhất lên tới 40 triệu đồng kèm tước bằng lái.
Trong 7 ngày Tết Quý Mão, vợ chồng người đàn ông 60 tuổi thường phân rõ vai trò của từng người mỗi lần đi chúc Tết. Đa phần ông là người uống, còn vợ giữ sự tỉnh táo để lái xe về nhà.
Không thấy phiền hà hay mệt mỏi, bà Mai Anh (vợ ông Nghĩa) nói vui khi thành tài xế của chồng. "Ngày trước chồng tôi cứ đi từ sáng đến tối, nhiều lúc uống say bí tỷ gọi điện thoại không được khiến vợ con lo lắng. Nhưng từ ngày lái xe cho chồng, ông ấy đi đâu, làm gì tôi cũng biết, nên an tâm", bà nói.
Lái xe thay chồng đã uống rượu dần trở nên phổ biến ở các gia đình trong hai năm trở lại đây. Nhưng không phải ai cũng có cái nhìn thiện cảm với nó. Anh Quân cho biết, một số người bạn nói anh sợ vợ nên đi đâu cũng phải báo cáo hoặc dắt đi cùng, làm mất sự tự do. Trong khi chị Hoa lại bị đàm tiếu "số khổ vì suốt ngày phải đi hầu chồng", không còn thời gian nghỉ ngơi. Nhưng cả hai vợ chồng đều bỏ ngoài tai vì thấy lợi ích của hành động này. Hơn nữa, cách làm này của vợ chồng anh được bố mẹ hai bên và con cái ủng hộ bởi đề cao tính an toàn.
Chị Huyền cũng nói rằng thay chồng lái xe không phải hành động xấu hổ, nhất là khi bản thân đổi lấy sự an tâm, chồng tránh bị xử lý xử phạt. Chưa kể, mỗi lần về quê cũng vui vẻ hơn vì không cần nghĩ cách từ chối nếu được người thân mời rượu.
"Đâu nhất thiết cứ phải chồng lái xe, vợ ngồi cạnh. Ai lái cũng được, miễn là các thành viên trên xe và mọi người xung quanh đều bình an, tránh được những sự việc đáng tiếc. Tôi nghĩ đã đến lúc nhận thức của mọi người cần phải thay đổi", người phụ nữ 40 tuổi nói.
Quỳnh Nguyễn