Cá tầm thìa (Psephurus gladius) hay còn gọi là cá kiếm Trung Quốc được cho là biến mất trong thời gian từ năm 2005 đến 2010, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Science of the Total Environment tuần trước. Wei Qiwei, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết kết luận dựa trên đánh giá của hội đồng chuyên gia do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thành lập ở Thượng Hải hồi tháng 9.
"Chúng tôi tôn trọng mô hình đánh giá và nhóm chuyên gia từ IUCN, dù chúng tôi chấp nhận kết quả này với trái tim nặng trĩu", Wei, nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Ngư nghiệp Trung Quốc ở Vũ Hán, chia sẻ.
Loài cá khổng lồ có biệt danh "vua của các loài cá nước ngọt" ở Trung Quốc, được bắt gặp lần cuối cùng vào năm 2003. Sau khi gắn thiết bị theo dõi sóng âm cho con cá, Wei và cộng sự thả nó xuống sông Nam Khê, phụ lưu của sông Dương Tử ở tỉnh Tứ Xuyên. Nhưng họ mất tín hiệu sau khi thuyền theo dõi đâm vào mỏm đá trên dòng sông chảy xiết. Theo Wei, cá tầm thìa có kích thước khổng lồ nên rất khó nuôi nhốt.
Cá tầm thìa nằm trong danh mục động vật nguy cấp của IUCN từ năm 1996 do số lượng loài này liên tục sụt giảm vì đánh bắt quá mức và môi trường sống trên sông Dương Tử xuống cấp. Nhóm chuyên gia IUCN cho biết không thu được dữ liệu ảnh về cá tầm thìa từ năm 2009.
Theo nghiên cứu, cá tầm thìa rơi vào trạng thái "tuyệt chủng chức năng", có nghĩa loài vật không có đủ cặp ghép đôi để sinh tồn từ năm 1993. Đây là tổn thất mới nhất cho hệ sinh thái sông Dương Tử dài 6.300 km. Hai loài bản xứ khác trên dòng sông dài nhất châu Á cũng tuyệt chủng chức năng là cá cháy bắc (năm 2015) và cá heo sông Dương Tử (năm 2006). Cá heo không vây và cá tầm long được xếp vào danh mục loài vô cùng nguy cấp.
Hệ thống sông Dương Tử có hơn 4.000 loài thủy sinh, nhưng các dự án xây đập, đánh bắt quá mức, lượng tàu bè lớn và ô nhiễm đang làm quần thể cá thu nhỏ, khiến đa dạng sinh học sụt giảm theo. Chính phủ Trung Quốc ban hành luật cấm đánh bắt cá thương mại trên sông Dương Tử từ ngày 1/1, áp dụng trên 332 khu bảo tồn dọc sông.
An Khang (Theo SCMP)