Theo Sở Y tế TP HCM, thành phố ghi nhận gần 700 ca sốt xuất huyết trong tuần qua, nâng tổng số mắc từ đầu năm lên hơn 12.000, chiếm 25% tổng số ca của khu vực phía Nam. Dù số mắc giảm hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng đang trong xu hướng tăng.
Giám sát các điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết, ngành y tế ghi nhận nhiều điểm có loăng quăng. Dịch có thể xuất hiện ở khắp nơi, gắn liền với nếp sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, từ nội thành đến ngoại thành. Điều này khiến nguy cơ ca bệnh sẽ tiếp tục tăng nếu không tăng cường phòng bệnh.
Các chuyên gia nhận định dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào mùa mưa, khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, đặc biệt mùa cao điểm của sốt xuất huyết là từ tháng 9 đến giữa tháng 11. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi và lây lan mầm bệnh một cách nhanh chóng.
Sở Y tế khuyến cáo mỗi cá nhân, gia đình cần chủ động tìm và loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh loăng quăng. Khi trong gia đình có người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết, cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp, tránh nguy cơ diễn tiến nặng gây tử vong
Các địa phương tiếp tục phòng chống dịch, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết triệt để, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Kiểm soát chặt chẽ điểm nguy cơ gây dịch bệnh, không để phát sinh vật chứa nước phát sinh loăng quăng, muỗi, đặc biệt là trong các trường học, bởi chỉ cần một vật đọng nước vài ngày cũng sẽ thành nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.
Gần đây, vaccine sốt xuất huyết đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tạo miễn dịch chủ động bằng vaccine là một biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và bệnh nặng. Tuy nhiên, việc loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, phòng ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, phun xịt thuốc, thắp nhang muỗi, cho trẻ nhỏ mặc tã quần hoặc khăn lau xua muỗi, cần được duy trì thường xuyên ngay cả khi đã chủng ngừa.
Lê Phương