Tại đoạn sông Mã qua thị trấn Cảnh Nàng, cá lăng, ké, trăm, trôi... chết rải rác từ sáng 1/4, đến nay chưa có dấu dừng lại. Người dân chạy thuyền máy mang dụng cụ ra vớt những con to đem bán hoặc chế biến làm thức ăn cho gia súc.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều xã của huyện Bá Thước như Thiết Ống, Thiết Kế, thị trấn Cành Nàng, xã Ái Thượng, Điền Lư..., kéo dài gần 20 km dọc tuyến sông Mã.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hương (45 tuổi, thị trấn Cành Nàng) nuôi ba lồng cá nay đã chết non nửa. Cá cứ ngoi lên bờ, vẫy vài cái rồi chết nổi trương bụng. Vợ chồng chị Hương vớt cá lên thùng, sục oxy nhưng không cứu được. Những con lớn, chị mang ra chợ bán rẻ mong vớt vát chút tài sản.
Bình thường cá lăng chị Hương bán 500.000 đồng một kg, nhưng nay chỉ bán còn trên dưới 100.000 đồng. "Nhiều con chết ươn, nổ bụng không bán được, chỉ vớt ném đi...", chủ bè phản ánh.
Người dân địa phương nghi ngờ cá chết do nhà máy sản xuất tăm đũa hoặc vàng mã thượng nguồn xả thải bởi nước sông đổi màu đen kịt, nổi bọt trắng.

Nước sông Mã đổi màu đen khác thường. Ảnh: Ngô Bình.
Đây không phải là lần đầu tiên cá chết bất thường trên sông Mã. Theo người dân, cũng dịp này năm ngoái, hàng chục lồng cá nuôi của người dân chết sạch. Có hộ mất hết vốn liếng phải bỏ nghề nuôi cá.
Chiều 2/4, ông Võ Minh Khoa, Phó chủ tịch huyện Bá Thước, cho biết huyện đang thành lập đoàn công tác ghi nhận tình hình cá chết và thống kê thiệt hại, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân. "Chưa có số liệu chính thức vì cá chết ở nhiều xã, phạm vi kéo dài...", ông Khoa nói.
Đồng tình với nghi vấn của người dân về nhận định nước sông bị ô nhiễm khiến cá chết là do nhà máy thượng nguồn xả thải, ông Khoa cho hay, sáng nay ở địa bàn có mưa lớn, có thể cơ sở sản xuất nào đó đã lén xả nước thải ra sông.
Theo ông Khoa, tình trạng ô nhiễm nước thải từ các nhà máy dọc bờ sông Mã ở huyện Quan Hóa và Bá Thước từng được phản ánh đến ngành tài nguyên nhiều lần song chưa được xử lý dứt điểm.