Chiều 4/9, Phạm Phương Thảo giới thiệu tập thơ đầu tay. Qua sáng tác, chị giãi bày chuyện tình cảm, những lần đổ vỡ trong hôn nhân và tình yêu quê hương, gia đình.
Nữ ca sĩ giao lưu cởi mở với bạn bè, người hâm mộ. Chị không che giấu chuyện tình cảm. Ca sĩ nói: "Tôi mà giấu điều gì trong ruột gan thì rất khó chịu, bức bách, nếu nói ra được thì sẽ rất nhẹ nhàng. Cuộc sống có giấu cũng chẳng được gì, vậy nên hãy cứ giãi bày để mọi người hiểu và gần nhau hơn".
Phạm Phương Thảo vừa chia tay người yêu sau một thời gian dài gắn bó. Sau ly hôn với chồng cũ là doanh nhân hồi năm 2009, nữ ca sĩ trải qua hai mối tình nhưng đều không có kết thúc êm đẹp. Chị nói bản thân là người lụy tình, càng yêu càng dại. Với Phạm Phương Thảo, hiện tại là quãng thời gian đẹp nhất bởi chị độc thân, không vướng bận tình riêng. Điều này thôi thúc chị viết Đi hết xuân thì, gửi gắm quan niệm: Hãy sống trọn tuổi xuân, dù vui sướng hay bất hạnh.
Tập thơ "Đi hết xuân thì". |
Tập thơ được chia làm ba phần: Mơ duyên, Hoa trôi, Lời mẹ cha. Bài thơ cùng tên trong phần "Mơ duyên" được chọn làm nhan đề tác phẩm. Phần một gồm những bài ngũ ngôn, lục bát, xoay quanh chuyện tình yêu. 99 câu lục bát trong phần này kể chuyện cô gái quê Phương Thảo, từ thuở lên tám, dám nói với mẹ về ước mơ không chồng mà sinh bốn con và dự cảm cuộc đời truân chuyên. "Em là con gái miền trong/ Không muốn lấy chồng nhưng lại thích con/ Mới hồi lên tám lon ton/ Đã mòn cái nghĩ sau này đẻ thôi", cô viết. Ngoài ra, Đi hết xuân thì còn thể hiện sự bằng lòng, chấp nhận đa đoan: "Thân này vẫn phải cài then/ Chờ người quân tử phá then nhà trời/ Thì xin một cuộc đứt hơi/ Thì xin lại được chơi vơi vì tình".
Phần "Hoa trôi" lột tả cuộc sống lênh đênh, thân phận trôi nổi của phụ nữ. Phần hai gồm một số bài thơ tiêu biểu: Kén chồng, Bán thân, Duyên ngậm cơ sầu, Xuân mọn... Giọng thơ hóm hỉnh, đanh sắc nhưng đầy chua chát, đậm nỗi cô đơn. Phương Thảo viết trong Bán thân: "Hết tiền thân muốn tự bán thân/ Đem rao khắp mấy chợ xa gần/ Úp mặt khoe mông mông lép kẹp/ Ngửa mặt gò bồng xẹp sau lưng". Phần "Lời mẹ cha" là những tâm tư về quê hương, gia đình. Bên cạnh đó, Phạm Phương Thảo sáng tác chùm thơ Đừng xa nhau, Nhớ trăng, Nhớ cố nhân về nhạc sĩ An Thuyên.
Cái tôi trữ tình trong thơ của Phạm Phương Thảo lãng mạn, mộng mơ nhưng cũng đành hanh, sâu cay. Ý thơ khi dạt dào đầy yêu thương, lúc lại cô đơn, buồn tủi. "Tôi đến với thơ vì muốn được sống thật với bản thân, khác với sáng tác nhạc mang tính chất biểu diễn, đôi khi không được là mình. Mỗi bài thơ là câu chuyện nhỏ. Qua Đi hết xuân thì, tôi hy vọng khán giả thấy tâm tư, hình ảnh đời thường của bản thân sau ánh đèn sân khấu", Phạm Phương Thảo chia sẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: "Thơ của Thảo có chất bi trí, nổi dậy của phụ nữ trong tình yêu. Điều này giúp thơ có sự lay động, gần gũi". Bạn bè dí dỏm ví thơ Thảo có chất "ngông" của Nguyễn Công Trứ và đanh thép, sâu cay như Hồ Xuân Hương. Thậm chí, chị bị bạn thân - NSƯT Tố Nga - gọi là "điên" khi dám viết Đi hết xuân thì.
Đi hết xuân thì ban đầu có tên Gái Nghệ. Tuy nhiên, đến ngày in Phương Thảo suy nghĩ lại và muốn thoát ra cái riêng, ích kỷ mang tính địa phương. Chị mong muốn tập thơ trở thành câu chuyện của mọi người, nhất là dành riêng cho phái nữ.
Trọng Trường