Ca sĩ Ánh Tuyết. |
- Có người nói, Ánh Tuyết "ăn theo" nhạc Văn Cao quá nhiều. Chị nghĩ sao về chuyện này?
- Ồ, thế thì tốt chứ sao. Nhạc Văn Cao càng được quảng bá rộng, khán giả càng có dịp nghe và thưởng thức những bài hát tuyệt vời của một thời đến nay còn sống mãi. Tôi đã tổ chức nhiều đêm nhạc Văn Cao, có lẽ vì vậy mà nhiều người cho rằng tôi kiếm được nhiều tiền. Nếu chỉ làm một đêm nhạc bình thường không đầu tư thì có lẽ kiếm bộn tiền thật, nhưng tôi không thể làm như vậy nên thù lao cũng dừng ở mức khiêm tốn. Hiện tôi đang là Giám đốc Công ty chống thấm ATC. Bên này vẫn phải bù lỗ cho bên kia là vì vậy.
- Kinh doanh sơn thì phát đạt, còn kinh doanh nhạc tiền chiến thì thua lỗ. Điều đó có ảnh hưởng gì đến chị?
- Tôi luôn tự hào vì cả TP HCM chỉ có một ATB là nơi đầu tiên và duy nhất để khán giả đến nghe nhạc tiền chiến theo cách nghiêm túc và sâu sắc. Khán giả của ATB là những người hiểu biết và cực kỳ dễ thương.
- Nếu làm chủ một phòng trà vắng khách, chị sẽ thế nào?
- 10 năm trước nhìn quanh những tụ điểm ca nhạc trong thành phố, tôi thấy chưa có một nơi cho khán giả thưởng thức những đêm nhạc nghiêm túc một thời đi vào lòng người, một nơi để khán giả và ca sĩ có thể bay bổng theo sở thích của mình. Đó cũng là dòng nhạc mà tôi theo đuổi, nên quyết định lập ban nhạc.
Lúc đầu, chúng tôi mở ATB tại Cung văn hóa Lao Động. Năm tháng đầu tiên, tôi chấp nhận chịu lỗ vì nhiều lý do: ít khán giả vì thiếu quảng cáo, hoạt động phụ thuộc vào đơn vị nhà nước nên quá nhiều chủ, không chịu nổi áp lực. Cho đến khi dắt quân ra Hà Nội, tôi mới hiểu rằng khán giả Hà Nội rất biết thưởng thức âm nhạc. Nhờ chương trình Hội trùng dương, khán giả như sực tỉnh nhận ra có một dòng nhạc vẫn tồn tại chứ không hề bị mai một. Khán giả đến "vỡ sân khấu", vé chợ đen từ 120.000-150.000 đồng tăng lên 500.000-700.000 đồng.
- Nghề ca sĩ có những cơ cực nào khó nói?
- Hơn 10 năm ở trong nghề, tôi chịu đủ sự bạc bẽo của nghề ca sĩ. Có những đêm bước lên sân khấu, tôi bị khán giả đuổi xuống, vì hát nhạc "khó nghe". Tôi lúc đó đã khóc, tưởng mình không thể tiếp tục nhưng rồi vẫn cắn răng hát hết bài. Tôi cũng nhiều lần muốn bỏ nghề dù rất mê làm ca sĩ do không chịu nổi áp lực. Nói thật, có lúc tôi đã có ý định tự tử vì tuyệt vọng.
- Điều gì đã khiến chị nghĩ lại?
- Tôi lúc ấy còn rất nghèo, nhưng luôn luôn có những mơ ước to lớn vượt quá khả năng của mình. Rất nhiều bạn bè và cả gia đình bảo Ánh Tuyết "khùng". Nhiều đêm ATB vắng khách, nhìn trên gương mặt những khán giả quen thuộc thấy sự phập phồng lo âu. Hình như họ cũng lo thay cho tôi, sợ nếu Ánh Tuyết bị lỗ thì họ không còn chỗ để đến. Còn những đêm đông khách, nhìn thấy họ rạng rỡ hẳn lên.
- Người ta nói các ca sĩ chuyên nghiệp hình như vì chuyên nghiệp quá mà mất duyên với nghề. Chị nghĩ sao?
- Thật ra những người đã trở nên chuyên nghiệp vẫn cần một ít chất "nghiệp dư". Vì "nghiệp dư" lại luôn nhiệt tình hơn.
- Hình ảnh của nghệ sĩ trước công chúng, theo chị, nên gìn giữ thế nào?
- Nghệ sĩ là người của công chúng nên phải có trách nhiệm với bản thân. Không phải cứ là nghệ sĩ thì có quyền bê tha, có quyền làm những chuyện trái khoáy rồi mượn danh "nghệ thuật".
(Theo Lao Động)