Ca sĩ Ánh Tuyết trò chuyện với VnExpress.net về chuyến lưu diễn đầu 2009.
- Vì sao chị lại dám bỏ tiền ra dẫn "quân" lưu diễn xuyên Việt trong bối cảnh kinh tế khó khăng như hiện nay?
- Sau những chuyến lưu diễn thành công vào năm 1997, 2001, một thời gian khá dài, phòng trà của tôi chỉ hoạt động phục vụ khán giả tại nội thành TP HCM là chủ yếu.
Đã đến lúc tôi thấy phải có một chuyến đi dài để anh em nghệ sĩ ATB có dịp cọ xát, nắm bắt nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả. Hơn nữa, được lưu diễn ở nhiều vùng trên đất nước là ước mơ của người nghệ sĩ đứng trên sân khấu.
Tôi chuẩn bị ý tưởng cũng như lên kế hoạch cho chương trình lâu rồi, anh em nghệ sĩ đều đồng lòng. Cũng nhằm lúc công ty xây dựng của tôi và chồng vừa trúng thầu, có được mớ tiền. Vậy là đủ lực để thực hiện chuyến đi.
Hình ảnh bà "bầu" Ánh Tuyết và những ca sĩ của phòng trà ATB trên một tấm poster quảng cáo chương trình xuyên Việt do tự tay Ánh Tuyết thiết kế. |
- Kể từ năm 2001 đến nay, gần 8 năm phòng trà ATB mới lại có một chuyến lưu diễn liên tục như thế này, cảm xúc của chị thế nào?
- Vừa vui vừa hồi hộp. Vui vì ATB sắp tái ngộ khán giả cả nước nhưng hồi hộp vì rất lâu rồi chúng tôi mới có chuyến đi dài hơi.
Riêng đầu tư cho đêm diễn ở Hà Nội đã trên 400 triệu đồng; còn ở TP HCM đã trên 500 triệu. Đến giờ tôi ước tính tổng chương trình lên đến con số hơn 1 tỷ đồng. Tất cả đều là tiền túi của tôi bỏ ra. Nếu chuyến đi huề vốn là đã thành công.
- Với một chương trình lưu diễn xuyên suốt như thế, vì sao chị không kêu gọi nhà tài trợ?
- Thời buổi hiện nay để kêu gọi tài trợ mà không phá hỏng chất nghệ thuật của chương trình là rất khó. Tôi chưa tìm ra được nhà tài trợ như ý mình.
- Nhìn vào danh sách ca sĩ trong đoàn lưu diễn của chị thấy nhiều cái tên rất mới mẻ với khán giả cả nước như: Thúy Hạnh, Duy Hưng, Hồng Vân, Lê Anh, Hoàng Trung, Trần Phong Phú (Richard Fuller, người Mỹ)... Chị dựa vào đâu để tin rằng các đêm diễn sẽ thu hút khán giả?
- Tôi còn nhớ, năm 2001 tôi từng đưa các ca sĩ trẻ, thậm chí vẫn còn là sinh viên học sinh, đi lưu diễn tại Hà Nội. Trong đoàn có các thành viên của nhóm AC&M hiện nay, và cả Vân Khánh, Thanh Thúy... lúc đó đều là gương mặt mới toanh. Nhưng đến nay, họ đều là ca sĩ có tên tuổi của làng nhạc.
Một khi đã mang "quân" đi “chinh phạt”, tôi giữ niềm tin nhất định vào các nghệ sĩ của mình và nắm được tâm lý khán giả muốn gì, chờ đón điều gì. Dù thị trường âm nhạc hiện nay rất sôi động với nhiều loại hình, nhiều tên tuổi, tôi tin luôn luôn có lớp khán giả dành riêng cho dòng nhạc mà ATB đang theo đuổi.
"Bỏ cuộc trước những khó khăn trong cuộc sống không phải là tính cách của tôi", ca sĩ Ánh Tuyết cho biết. |
- Chị nghĩ sức hút của chuyến lưu diễn nằm ở đâu?
- Chuyến đi chỉ có 36 nghệ sĩ cho các tiết mục đơn ca, song ca và hợp xướng, cùng vài anh em lo chuyện hậu đài. Sức hút của các đêm diễn sẽ nằm ở "chất lửa" từ các giọng hát của ca sĩ ATB dành riêng cho khán giả. Ngoài tôi ra, đoàn lưu diễn còn có nghệ sĩ Quỳnh Lan, Hoàng Trung, Phi Thúy Hạnh, Minh Thảo; đây là 4 giọng hát kỳ cựu của phòng trà ATB. Thêm nữa, sự kết hợp giữa nghệ sĩ khuyết tật tài hoa Thế Vinh và ca sĩ Mỹ Richard Fuller chắc chắn sẽ mang đến nhiều bất ngờ... Bên cạnh các tiết mục được chuẩn bị cẩn thận chúng tôi sẵn sàng chơi nhạc và hát ngẫu hứng theo yêu cầu của người nghe.
Chủ đề xuyên suốt của chương trình là Hát cho yêu thương, chúng tôi chọn thể hiện nhạc phẩm của các nhạc sĩ như: Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Phạm Trọng Cầu, Ngô Thụy Miên... Sau Hát cho yêu thương khi trở về TP HCM chúng tôi sẽ thực hiện hai đêm diễn lớn tại Nhà hát Hòa Bình, trong đó có đêm Gọi tên bốn mùa để mừng sinh nhật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào ngày 28/2.
- Nhà hát Hòa Bình tại TP HCM có sân khấu khá rộng, khán giả TP lại chuộng chương trình lớn, đầu tư cao. Vì sao hai đêm ở đây chị không có một đạo diễn sân khấu riêng để lo cho chương trình?
- Tôi cảm nhận, đạo diễn sân khấu âm nhạc hiện nay đa số ít đi vào chiều sâu mà chú trọng nhiều hình thức; mà tôi thì không thích phô trương về hình thức. Tôi thích sân khấu giản dị, sang trọng, với người nghệ sĩ trau chuốt, dạt dào cảm xúc trong giọng hát. Có lẽ phải thế thì lời ca tiếng hát mới có thể dịu dàng, thủ thỉ như rót mật vào tai, hơn là để cảnh trí, vũ đạo rườm rà phá vỡ điều đó.
Tôi nhớ có lần khi tôi đang hết sức "phiêu" với bài hát Trương Chi. Gần đến đoạn cuối, lúc chén ngọc của chàng Trương tan vào nước mắt thì bỗng nhiên vũ công minh họa, do ban tổ chức sắp xếp, đột nhiên thả cái tô to tướng đang cầm trên tay rớt choang xuống sàn, khiến ai cũng chưng hửng và mất hẳn nhịp cảm xúc.
Ngoài ra, đạo diễn sân khấu thường vẽ ra nhiều việc khá tốn kém mà tôi chỉ thích làm theo ý tưởng của mình. Để có chuyến lưu diễn này, tôi tự lo tất cả mọi thứ, ngay cả thiết kế bìa poster quảng cáo cho chương trình. Như thế vừa tiết kiệm chi phí lại vừa thỏa thích sáng tạo.
* Lịch lưu diễn xuyên Việt của ca sĩ Ánh Tuyết và phòng trà ATB |
Thoại Hà thực hiện