Vấn đề ca sĩ "thảm họa", ăn mặc "phản cảm" nổi cộm thời gian vừa qua bị dư luận lên án dữ dội. Những sự lên án này nguyên nhân chủ yếu là do dư luận đứng từ gốc độ truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc để nhìn nhận và đó là những sự lên án đúng.
Tuy nhiên, bài viết này không đề cập đến vấn đề dư luận đã phản ánh quá nhiều về các ca sĩ, mà muốn đề cập đến vấn đề với một góc nhìn khác để giải thích nguyên nhân của những mâu thuẫn dẫn đến sự lên án.
Trước hết, chúng ta đều là những người đã trưởng thành, đều biết việc mình đang làm và chấp nhận những hậu quả của nó. Trong trường hợp các ca sĩ cũng vậy. Họ biết là ăn mặc như vậy, hát nhạc như vậy, thì hậu quả là họ sẽ trở thành những ca sĩ như vậy. Họ chấp nhận. Đó là sự khẳng định, tự phân loại mình trong lĩnh vực, công việc của họ. Cho nên, những phản ứng của dư luận dường như là không có tác dụng đối với họ, vì không phù hợp với suy nghĩ, quan điểm họ. Họ nghĩ như vậy là đúng, nên họ làm. Đây là sự khác nhau về quan điểm.
Một ca sĩ khi vào nghề sẽ chọn cho mình một hình tượng, một phong cách, và sẽ làm tốt nhất trong khả năng có thể để đạt được ở mức hoàn hảo nhất hình tượng mà mình đã xác định, nhất quán với con đường mình đã chọn, và cho đó là việc làm đúng đắn nhất, tốt đẹp nhất. Ví dụ nói đến ca sĩ TM thì phải là gợi cảm về trang phục, sôi động về âm nhạc như hình tượng mà ca sĩ này xây dựng, nói đến ca sĩ QD thì phải lịch sự và sâu lắng trong âm nhạc.
Trong khi đó, khán giả lại có góc nhìn khác, góc nhìn của khán giả, của dư luận, của cái tôi cá nhân, của truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, thì cho rằng cái này là đẹp, cái kia là phản cảm, là sai.
Còn Ban tổ chức chương trình là cầu nối ở giữa.
Vấn đề chỉ xảy ra khi có chương trình ca nhạc được tổ chức, có ca sĩ biểu diễn phản cảm và có khán giả không thích với hình tượng của ca sĩ. Nguyên nhân của vấn đề chính là những từ "có".
Lý giải cho nguyên nhân này thì các ca sĩ không có lỗi mà phần lớn là do lỗi của Ban tổ chức và khán giả. Lỗi ở đây rất đơn giản chỉ là sự không hiểu nhau giữa ca sĩ, Ban tổ chức chương trình và khán giả.
* Đối với ca sĩ : một ca sĩ xác định sẽ xây dựng hình ảnh gợi cảm, theo đuổi dòng nhạc sôi động, thì họ sẽ luôn chọn những trang phục gợi cảm theo cách nhìn nhận của họ, váy ngắn, áo xẻ sâu... hát những bài nhạc và vũ đạo sôi động nhất. Kết quả là thị trường sẽ phân loại ca sĩ này theo hình tượng mà họ hướng đến. Điều này cả Ban tổ chức chương trình và khán giả đều nhìn nhận được.
* Đối với Ban tổ chức : khi tổ chức một chương trình, ban tổ chức đương nhiên đã biết rõ tính chất của chương trình, thì hãy lên kế hoạch để mời những ca sĩ phù hợp. Nếu là chương trình cần sôi động, gợi cảm, hãy mời những TM. Nếu chương trình là êm dịu, thanh lịch, sang trọng, hay từ thiện thì hãy mời những QD, vì họ đã được nhìn nhận theo hình tượng đã xây dựng và chắc chắn sẽ thể hiện mình đúng như hình tượng đó, thì chương trình sẽ thành công mỹ mãn.
Ngoài ra, những ca sĩ nhất quán theo phong cách của mình thì sẽ giúp cho Ban tổ chức dễ dàng chọn ca sĩ trong các chương trình. Nếu đã mời TM thì nhất định là sẽ gợi cảm, sôi động không thể khác hơn, đó là hình tượng của họ, họ sẽ làm tốt nhất theo sở trường. Không thể đòi hỏi mời TM và yêu cầu hãy nhẹ nhàng, kín đáo. Ngược lại, cũng không thể mời QD và yêu cầu gợi cảm, sôi động.
Muốn làm một vở hài kịch thì không thể mời diễn viên bi kịch đóng.
* Đối với khán giả: do đã không chọn đúng chương trình, ca sĩ để tham dự nên khi xem những hình ảnh, nghe những âm thanh không đúng với nhu cầu thì sẽ cho là phản cảm. Trong trường hợp Ban tổ chức đã làm tốt công việc của mình là chọn được những ca sĩ phù hợp nhất với tính chất của chương trình, thì trước khi mua vé xem hay tham dự một chương trình ca nhạc khán giả đều đã biết được tính chất của chương trình và các ca sĩ sẽ biểu diễn. Nếu đã chọn xem chương trình đó thì nhu cầu là sẽ được xem những hình ảnh, âm thanh đúng như tính chất chương trình đã giới thiệu. Nếu đã biết sẽ có TM biểu diễn, thì khi đến xem chắc chắn nhu cầu phải là được xem những hình ảnh gợi cảm, dòng nhạc sôi động, và nếu TM làm tốt công việc của mình thì khán giả sẽ đạt được sự thỏa mãn cao nhất. Ví dụ một trường hợp ngược lại, một khán giả muốn xem một chương trình ca nhạc cuồng nhiệt, vũ đạo sôi động, trang phục hết sức gợi cảm, nhưng khi vào chương trình chỉ có những ca sĩ hát nhạc dân ca với trang phục truyền thống kín từ cổ đến chân thì đối với khán giả đó đây cũng có thể là những ca sĩ "phản cảm".
Muốn xem bi kịch thì không thể đến sân khấu hài kịch.
Vấn đề xảy ra mâu thuẫn như dư luận phê phán phản cảm... nhìn theo góc độ khác thì nguyên nhân chủ yếu là do trước hết ban tổ chức không mời đúng ca sĩ theo ý nghĩa của chương trình, và nếu ban tổ chức đã mời đúng ca sĩ, thì nguyên nhân là do khán giả đã không chọn đúng chương trình để xem.
Vì vậy, để không xảy ra những tình huống phản cảm, thì Ban tổ chức hãy chọn đúng ca sĩ để mời biểu diễn và khán giả hãy chọn đúng chương trình theo nhu cầu để thưởng thức. Nếu làm được như vậy, thì theo quy luật của thị trường những ca sĩ nào không phù hợp sẽ tự động bị đào thải mà không cần đến dư luận phải có những sự lên án, góp ý không chút tác động nào.
Lê Nguyễn Thanh