Theo IBTimes, nghiên cứu được thực hiện ở đại học La Trobe, Melbourne, Australia trên loài cá sấu nước mặn. Các nhà khoa học đặt camera ghi hình ba con cá sấu trong khi ngủ tại hồ thủy sinh.
"Chúng tôi bố trí một người đứng cạnh hồ suốt 10 phút. Những con cá sấu phản ứng khá mạnh bằng cách hướng con mắt còn thức về phía con người và chăm chú canh chừng", John Lesku, đại học La Trobe, người chỉ đạo nghiên cứu cho biết.
"Sau khi người rời khỏi phòng, cá sấu vẫn quan sát vị trí trước đó của người này. Điều này cho thấy cá sấu có loại hoạt động não bộ tương tự như chim".
Trong một thử nghiệm tiếp theo, các nhà khoa học thả một con cá sấu non vào hồ, những con sấu già cũng tiếp tục để mắt tới nó ngay trong lúc ngủ.
Nghiên cứu, đăng trên tập san Sinh học thí nghiệm hôm 1/10, cho rằng cá sấu có thể mở một mắt khi ngủ nhờ sở hữu khả năng cho phép một bên bán cầu nghỉ ngơi trong khi bên còn lại vẫn tỉnh thức, sẵn sàng hoạt động.
Đặc điểm này được các nhà sinh học gọi là "giấc ngủ unihemispheric", hiện diện ở một số loài như chim, cá heo, hải mã, hải cẩu và các loài bò sát. Viện nghiên cứu điểu cầm học Max Planck của Đức cũng phát hiện hiện tượng này ở cả cá sấu sông Nile và Caiman.
"Do đó, đặc điểm này không phải là nét tiêu biểu của riêng một loài cá sấu nào", Lesku kết luận.
Chuyên gia này cho hay, đặc điểm trên duy trì khi cá sấu đã trưởng thành, biến chúng trở thành kẻ săn mồi nguy hiểm. Cá sấu có vẻ như đang nằm ngủ bất động, nhưng thực sự vẫn đang tìm kiếm con mồi.
"Nếu con vật nào mon men tới gần bờ sông, cá sấu sẽ tỉnh giấc hoàn toàn và tấn công con mồi. Đó là lý do tôi sẽ không bao giờ tiếp cận một con cá sấu dù nó nhắm mắt hay mở mắt", Lesku nói.
Thu Hiền