Với thế mạnh là giá rẻ, nên nhu cầu tiêu dùng cá rô phi trên thế giới tăng mạnh từ khi xảy ra khủng hoảng đến nay. Cá rô phi từng được Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) xác định là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, thế nhưng đến nay, loài cá này lại rất ít được nhắc tới trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Cách đây 10 năm, Bộ Thủy sản đã triển khai Đề án Phát triển nuôi cá rô phi giai đoạn 2003 - 2010, nhằm đưa cá rô phi trở thành một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực. Nếu như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chuyên canh nuôi cá tra và tôm, thì các tỉnh ở Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó trọng điểm là Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên) được quy hoạch thành "vựa" cá rô phi.
Mục tiêu đến năm 2010, Việt Nam có thể sản xuất được 200.000 tấn cá rô phi, khoảng 50% dành cho xuất khẩu, đạt giá trị kim ngạch 160 triệu USD. Thế nhưng Đề án này đã thất bại, khi đến năm 2010 và đến tận bây giờ, hầu như không có cá rô phi để xuất khẩu.
Hiện nay, tổng sản lượng cá rô phi thu hoạch chỉ vào khoảng 100.000 tấn/năm, số lượng quá ít ỏi này thì chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước thôi đã không đủ, nên để có nguyên liệu để chế biến cá rô phi xuất khẩu là điều không thể.
Trong khi đó, Trung Quốc từ một nước phải nhập con giống và nhận chuyển giao kỹ thuật nuôi cá rô phi từ Việt Nam và châu Phi, nay đã vươn lên thành quốc gia xuất khẩu cá rô phi hàng đầu thế giới.
Nguyên nhân thất bại của Chương trình phát triển nuôi cá rô phi là do yếu kém trong việc quản lý đàn cá bố mẹ. Từ những thập niên 1990, các cơ quan nghiên cứu và nhà sản xuất trong nước đã di nhập nhiều dòng cá rô phi chất lượng cao, như: rô phi vằn dòng Ai Cập, Thái Lan, Đài Loan, Philippines, dòng GIFT. Thế nhưng các giống cá rô phi này chỉ cho năng suất cao trong thời gian đầu, về sau cứ thoái hóa dần, nuôi tỷ lệ chết cao, tốc độ lớn rất chậm. Những năm gần đây, người nuôi thủy sản ở miền Bắc phải mua con giống cá rô phi từ Trung Quốc về nuôi, nhưng năng suất vẫn rất kém.
Anh Phạm Công Tuyển - một nông dân nuôi cá rô phi ở xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ (Hải Dương), than thở: "Cá nuôi tăng trưởng rất thấp quá. Gần đây thấy anh em mua cá giống của Trung Quốc, nên tôi cũng mua về, nhưng giống này chịu đựng kém hơn, thích nghi kém hơn, nuôi không có lãi".
Nhằm vực dậy ngành cá rô phi, trong Chương trình xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến 2020, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xác định ngoài 2 sản phẩm cá tra và tôm thì Việt Nam phấn đấu đưa cá rô phi trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực với giá trị xuất khẩu 200 - 300 triệu USD vào năm 2015. Để đưa mục tiêu này thành hiện thực, 2 giải pháp đang được thực thi đồng thời là nghiên cứu lai tạo giống cá rô phi phù hợp với khí hậu và điều kiện nuôi trồng thủy sản ở miền Bắc và triển khai mô hình VietGAP trong nuôi cá rô phi.
Được Bộ giao nhiệm vụ phải nâng cao chất lượng giống cá rô phi đơn tính đực để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã ứng dụng công nghệ mới để chọn lọc dòng cá có hiệu quả nuôi cao.
Cá rô phi từng được Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) xác định là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, thế nhưng đến nay, loài cá này lại rất ít được nhắc tới trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. |
Thạc sĩ Lê Ngọc Khánh - chuyên viên Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, cho biết: "Chúng tôi đã cho lai 4 dòng là rô phi xanh và vằn của Israel và dòng xanh và vằn của Trung Quốc với nhau để chọn được cặp lai tốt nhất. Trong sản xuất cá rô phi, việc chọn lựa đàn nuôi với tỷ lệ cá đực cao là yếu tố quyết định năng suất nuôi. Ứng dụng công nghệ sinh học phân tử để đánh giá dòng và kiểm nghiệm ngược lại các kết quả lai xa, kết quả thu được trên tất cả các lứa cá đều cho thấy tỷ lệ cá đực đạt trên 95%".
Những đàn cá chọn giống bằng phương pháp lai xa đầu tiên đã được nuôi thử nghiệm tại Trung tâm và được chuyển giao xuống các hộ nông dân trên địa bàn Hải Dương. Kết quả nuôi cho thấy cá rô phi lai xa sinh trưởng nhanh, thích nghi tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu miền Bắc. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, khí hậu miền Bắc thường có những đợt rét kéo dài về mùa Đông nhưng dòng rô phi lai xa vẫn sinh trưởng tốt, tỷ lệ hao hụt thấp.
Ông Nguyễn Văn Khoe ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), cho biết: "Trước đây, nhà tôi thả giống cá rô phi thuần và các giống nhập ngoại năng suất đều rất kém. Năm 2011, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc cấp cho gia đình nuôi thử nghiệm 40.000 cá lai xa thì cá sinh trưởng nhanh, ăn khỏe, không có bệnh. Chỉ 5 tháng đã cho thu hoạch, trọng lượng cá cao hơn hẳn trước, đạt khoảng 700g/con. Lứa cá rô phi lai xa đầu tiên của tôi thu được trên 14 tấn/ha, cá thương phẩm được thị trường tiêu thụ nhanh chóng".
Mùa Đông năm 2011, trong khi nhiều ao nuôi lân cận cá chết, thì ao cá của ông Khoe vẫn sinh trưởng tốt, không xuất hiện dịch bệnh. Trước kia, một năm ông Khoe chỉ nuôi được khoảng 1,5 vụ cá rô phi, trọng lượng cá bình quân khi thu hoạch chỉ đạt khoảng 500g/con, tỷ lệ cá chết 50 - 70%. Tuy nhiên, khi nuôi dòng lai xa, năm 2012, ông đã nuôi được 2,5 vụ/ năm, tỷ lệ cá chết rất thấp (dưới 5%), khi thu hoạch, cá thương phẩm rất đồng đều. Với việc nuôi thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp, cá rô phi lai xa có tốc độ sinh trưởng nhanh, trừ chi phí có thể thu lãi khoảng 45 triệu đồng/ha.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng đã triển khai mô hình "Phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực theo hướng GAP". Mô hình này nằm trong khuôn khổ Dự án "Phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực theo quy trình GAP" đã bắt đầu triển khai từ năm 2011 và sẽ kết thúc vào năm 2013. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống; 30% thức ăn và các vật tư, thiết bị khác.
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức nghiệm thu đánh giá kết quả bước đầu, cho thấy cá phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt trên 75%, trọng lượng bình quân khi thu hoạch 0,7kg/con, có những con đạt 0,9 - 1kg.
Hộ ông Vũ Văn Long, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang), chỉ với diện tích ao nuôi 0,3ha mà đã thu hoạch được hơn 4 tấn cá. Với giá thị trường hiện nay là 28.000 đồng/kg, ông Long thu được trên 112 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 50 triệu đồng. Việc triển khai mô hình nhằm hình thành các vùng nuôi cá rô phi tập trung, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Thời báo kinh doanh