Tọa lạc ở ngã tư phố Hàng Bún với ba mặt tiền rộng rãi, thoáng đãng và khá yên tĩnh, quán cà phê Xe Cổ gây ấn tượng bởi vẻ trầm mặc giữa lòng một Hà Nội tấp nập. Với hơn 100 chiếc xe đạp, xe máy các loại cùng vô vàn những vật dụng từ thời bao cấp như điện thoại bàn quay số, quạt con cóc, bàn là, máy khâu, ti vi cổ…, nơi đây thực sự là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách và cả những ai yêu Hà Nội từ lớp trầm tích cổ xưa của thời gian.
Lần đầu đến đây, bạn dễ có cảm tình với không gian rộng rãi, khoáng đạt ở tầng trệt nhất nhờ thiết kế thông nhau của 3 gian, phù hợp những người thích sôi động, đi cùng bạn bè, đối tác…Bạn có thể vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê xay rang đậm đà và nhìn ngắm những chiếc Vespa cổ hay mô tô phân khối lớn... lại có thể trông ra dòng xe cộ tấp nập qua lại ngoài phố. Đây cũng là cách thú vị giúp thư giãn, giải trí giờ nghỉ trưa hoặc mỗi cuối tuần.
Lối lên tầng 2 là chiếc cầu thang gỗ hẹp, không gian nhỏ nhất nhưng lại rất yên tĩnh. Từ ngoài nhìn vào đã thấy trên tường tràn ngập ảnh của hội xe cổ, cả chụp và vẽ trông vui mắt. Chủ quán đã khéo léo bố trí, bày biện bàn ghế và những chiếc xe cổ để có sự hài hòa giữa cây xanh, ánh sáng. Điều này giúp nơi đây thích hợp cho cả việc ngồi học bài, làm việc hay tâm sự riêng tư.
Nếu vẫn chưa thỏa mãn với hai tầng của quán, bạn hãy bước lên thêm một tầng nữa. Đừng vội băn khoăn vì sao cửa tầng ba lại đóng, cũng chớ ngần ngại mở cửa bước vào để tham quan. Bên ngoài nơi này trông giống không gian riêng của gia đình chủ quán nhưng vẫn có bàn uống dành cho khách.
Không gian tầng ba sẽ khiến bạn choáng ngợp bởi nơi đây chẳng khác nào một viện bảo tàng mini về đồ cổ với nhiều chủng loại, bao gồm những chiếc Mobilette, Lambretta, BMV, xe đạp gắn biển số, thậm chí có chiếc sản xuất từ trước năm 1960. Những chiếc điện thoại đời đầu của người Hà Nội (đầu thế kỷ XX) đến máy đĩa than chạy kim, chiếc đồng hồ quả lắc, đèn dầu, quạt điện Marelli… cũng xuất hiện nơi đây. Tất cả đều nhuốm màu thời gian, gợi người xem cảm giác nơi đây đã bị bỏ quên từ lâu lắm.
Chủ quán, ông Trần Quang Vinh, cho biết mỗi đồ vật trong bộ sưu tập là cả một câu chuyện dài, chất chứa kỷ niệm và cả khó khăn, trăn trở. Tìm mua những chiếc xe cổ, đa số đều bị thiếu phụ tùng, có khi ông phải mất công đi khắp các tỉnh, tốn hàng năm trời để hỏi mua.
Mỗi xe lại thiếu một số đồ, gom vài ba cái lại mới thành một chiếc. Vốn được truyền nghề từ bố mẹ và sẵn có niềm đam mê xe từ bé, ông Vinh nói có thể tự "bắt bệnh", phục hồi, làm mới những chiếc xe bị hư hỏng để tái chế. "Đa số những chiếc xe ấy đều mang dáng vẻ thô sơ, đơn giản và đường nét đẹp, ngắm mãi cũng không chán mắt", ông tâm sự.
Một lần, trộm lẻn vào quán, đi khắp nơi, xem hết các thứ, cuối cùng chỉ lấy điện thoại của nhân viên rồi lại trèo ra. Vị chủ quán cho rằng có lẽ vì đồ vật ở đây thuộc loại hiếm nên mua về, bán cũng khó và dễ bị lộ.
Tự nhận mình là người may mắn bởi vợ con đều hiểu và ủng hộ thú sưu tập độc đáo này, ông tiết lộ mọi đồ vật trong nhà, kể cả phòng ngủ đều sử dụng đồ cổ. Trong sinh hoạt, được nghe âm thanh từ những đồ vật xung quanh phát ra, cảm giác như tiếng nhịp thời gian lại khắc khoải ùa về. Ông chơi xe phân khối lớn hơn 20 năm nay, hiện là phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Mô tô Hà Nội. Con trai ông cũng bị "nhiễm" đam mê từ bố, hiện sở hữu một quán cà phê xe cổ.
Khởi nguồn ý tưởng thành lập quán, ông Vinh cho biết gia đình vốn là Việt kiều ở Pháp, về nước năm 64 nên muốn mang theo quá khứ là các đồ vật cổ cùng về. Chúng giúp ông tìm lại và lưu giữ kỷ niệm gắn bó từ thời thơ ấu.
Sau khi theo gia đình về nước, ông đi bộ đội, giải ngũ từ năm 1978. Năm 1979, gia đình bắt đầu mở quán cà phê này. Ông cho rằng việc gìn giữ và hồi phục những đồ vật xưa cũ là một cách để giữ lại chút quá khứ của Hà Nội cũ.
Đánh giá của VnExpress: Ưu điểm: Hương vị cà phê ngon không đổi qua thời gian. Ý tưởng và không gian sáng tạo, độc đáo, phù hợp với những người yêu hoài niệm và mê đồ cổ. Chỗ để xe rộng. Nhân viên nhiệt tình, chu đáo. Khuyết điểm: Âm nhạc trong quán tùy hứng, không mang nét riêng. Điểm của VnExpress: 4,5/5. Địa chỉ: Cà phê Xe Cổ, 11 - 13, phố Hàng Bún, quận Ba Đình. |
Lê Thương