Một thay đổi đột phá ngay lúc này của các thương hiệu cà phê Việt Nam để giành phân khúc thị trường là rất cần thiết. Nếu không, họ có nguy cơ mất trắng về tay người nước ngoài ngay trên sân nhà. Đó là phân khúc thị trường xem cà phê như nước giải khát tiêu thụ đại trà giành cho tất cả mọi người: nam, phụ, lão, ấu...
Đầu năm 2013, chúng ta lại được chứng kiến sự đổ bộ của một thương hiệu lớn trên thế giới vào Việt Nam. Đó là sự kiện Starbucks khai trương cửa hàng cafe đầu tiên của họ tại Việt Nam. Ngoài sự háo hức đón nhận của người tiêu dùng, sự xuất hiện của ông lớn này lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều, khen có, chê có, công kích cũng có.
Thị trường lớn hơn
Một khi ly cà phê được pha loãng hơn dễ biến thành một thứ nước giải khát (beverage) được tiêu thụ đại trà chứ không còn là một loại thức uống gây nghiện vốn khá kén khách nữa như cà phê Việt nói chung hiện nay. Nó cũng dễ trở thành loại thức uống kết hợp được với nhiều loại thức ăn hơn. Nó cũng trở nên phù hợp hơn với nhiều đối tượng khách hàng thuộc mọi lứa tuổi mà không sợ bị tăng nhịp tim, mất ngủ...
Một sản phẩm như vậy tự nó có thể mở rộng thị trường (market growth) theo cả hai chiều: chiều dọc - mở rộng thị trường (market stretch) - nhằm phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng hơn, và chiều ngang - mở rộng sản phẩm (product stretch) - nhằm tăng số lượng tiêu thụ từ lượng khách hàng hiện có, và bán kèm thêm nhiều loại thức ăn khác trong chuỗi cửa hàng.
Tâm lý lo ngại Starbucks sẽ thay đổi khẩu vị của người Việt dẫn đến việc các thương hiệu cà phê nội địa phản ứng lại bằng cách gửi đến người tiêu dùng một thông điệp với hàm ý: Chỉ có chúng tôi mới bán cà phê thứ thiệt, với hương vị đậm đà hợp khẩu vị người tiêu dùng Việt, chứ chẳng phải họ.
Dĩ nhiên là thông điệp này không sai vì nhâm nhi một ly cà phê đậm đặc thứ thiệt quả là một cái thú, nhưng nhóm khách hàng cần ly cà phê như thế chỉ đủ tạo nên một thị trường ngách (niche market) vốn vừa nhỏ bé hơn, vừa đang thu hẹp dần so với phân khúc thị trường lớn hơn mà Starbucks nhắm tới: người trẻ và trung niên, xem trọng thương hiệu, có thu nhập tương đối, vốn ưa cái mới và chuộng những giá trị cộng thêm kèm theo ly cà phê.
Chất lượng đảm bảo hơn
Đã có quá nhiều bài viết ca ngợi khả năng quản trị của Starbucks. Việc họ bảo đảm được chất lượng cà phê và cung cách phục vụ đồng nhất tại hơn 20.000 cửa hàng trên 62 quốc gia đã đủ nói lên điều đó. Cái mà chưa một chuỗi cà phê thương hiệu Việt nào làm được.
Cam kết về chất lượng của Starbucks thể hiện rất rõ trong cách họ quản trị chất lượng. Starbucks còn tiến xa hơn một bước là bảo đảm cho khách hàng một trải nghiệm Starbucks (Starbucks experience) duy nhất cho dù họ bước chân vào bất kỳ một cửa hàng Starbucks nào trong chuỗi 20.000 cửa hàng của họ rải khắp thế giới.
Các chuỗi quán cà phê thương hiệu Việt hiện nay đều tồn tại một khoảng cách quản trị quá lớn so với Starbucks. Đó là chưa nói đến một số quán cà phê nhỏ lẻ thiếu đạo đức trong kinh doanh khi sẵn sàng sử dụng nguyên liệu không bảo đảm để pha chế cà phê mà không chút áy náy về sức khỏe của khách hàng như báo chí đã từng cảnh báo cách đây không lâu.
Cái vị đậm đặc từ những ly cà phê như thế biết đâu lại do bắp rang, hương liệu, và cả hóa chất tạo nên. >>Xem tiếp: Cà phê Việt cần sáng tạo hơn
>>Xem thêm: Starbucks sẽ thay đổi thị hiếu cà phê 'bắp rang'
Trần Trọng Hải - MBA
Chia sẻ bài viết quan điểm của bạn về cà phê tại đây.