Quán kế bên, 3 cô gái khác cũng nhao nhao chèo kéo đám khách đi xe máy. Ánh đèn vàng vọt từ bên trong các quán hắt ra, chỉ đủ nhìn thấy bộ mặt trắng bợt son phấn của các cô gái trẻ. Nhiều quán, khách lao xe vào ầm ĩ, cửa sắt kéo liên hồi.
Tiếp viên đang chèo kéo khách trên phố Phan Đăng Lưu, Hà Nội. Ảnh: Hà Anh |
Vừa bước chân vào bậc cửa, chủ quán lập tức kéo cánh cửa sắt lại, chỉ để một khe hở nhòm hai con mắt ra ngoài. "Phải thế mới an toàn, mình đóng cửa tắt điện như là đi ngủ, ai người ta biết đấy là đâu". Nói rồi, bà chủ quán quay sang yêu cầu cô nhân viên dẫn khách xuống tầng trệt.
Liếc mắt nhìn vị khách, cô nhân viên mặc chiếc áo cổ rộng, cười toe toét dẫn đường. Vừa đi, cô vừa nhoẻn miệng hát: "Nhớ lắm Honey, em nhớ thương anh vô cùng. Hãy đến bên em, xóa tan đi bao ưu phiền". Dưới gầm cầu thang bằng gỗ ọp ẹp là khu tầng trệt nằm sâu dưới mặt đường, rộng chừng 20 m2 được chia thành nhiều ô nhỏ.
Mỗi ô rộng chưa đầy 2 m2 kê vừa đủ hai chiếc ghế (một gỗ và một sofa). Trên tường treo một chiếc quạt, phía ngoài phủ tấm vải mỏng. Ánh sáng lờ nhờ đỏ đục tỏa ra từ một vài bóng đèn khiến khách phải căng mắt mới nhận ra một vài vật xung quanh. Mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Cô gái kéo chiếc ghế mời khách: "Anh uống gì? Cà phê, nước lọc hay dùng bò húc cho khỏe? Loại nào cũng đều 80.000 đồng cho 30 phút". Chẳng để khách phải chờ lâu, cô gái nằm ra chiếc ghế sofa khiêu khích.
Tại các ô kế bên, thi thoảng lại phát ra tiếng cười của những cô gái bị khách "quấy". Hết giờ, cô gái có gương mặt bầu bĩnh tròn bước ra, cong môi vòi vĩnh vị khách béo tròn vừa đi, vừa mặc chiếc áo sơ mi.
Phương tên cô gái cho biết: "Em được mời đến đây "ngồi khách", sau mỗi ca chủ quán trả 10.000 đồng. Thu nhập chủ yếu từ tiền "bo" là chính".
Theo Phương, khu vực phố Phan Đăng Lưu có gần 20 nhà mở quán cà phê thư giãn, với 40 "nhân viên", lương cứng 900.000 đồng một tháng. Mỗi quán nuôi 2 nhân viên, khi cần sẽ điều động ở các quán khác đến.
Với những ô ngăn như thế này thượng đế thỏa sức "mây mưa". Ảnh: Hà Anh |
Đang hỏi chuyện "nhân viên", bà chủ quán chạy thốc tháo từ tầng trên xuống cuống quýt: "Nhanh, công an đang gọi cửa". Cô gái bật phắt dậy, kéo tay khách chạy ra phía sau vườn, dỡ những tấm prô-xi-măng dựng cạnh bờ rào chui sang quán bên cạnh, mở đường thoát thân.
Dưới ánh sáng lờ mờ, trong các ô nhà bên, 2 đôi nam nữ đang mây mưa. Thấy động, cô gái nhồm dậy, kéo chăn đắp kín người. Phía trên nhà hơn chục chiếc xe đạp, xe máy ken cứng lối đi. Đây là những bãi đáp cho công đoạn "Z".
Trao đổi với VnExpress, bà Thạch Thị Hoa, Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, so với trước đây, hoạt động của các quán cà phê trá hình đã giảm nhiều, tuy nhiên rất khó chấm dứt tình trạng này. Lãnh đạo thị trấn đã nhiều lần họp tổ dân phố, các chủ quán ký cam kết không tái diễn những hành vi: vẫy khách, hoạt động quá giờ, thu tiền bắt chẹt, mại dâm.
"Khi chính quyền vận động ký cam kết chủ quán nào cũng ký nhưng không thực hiện", bà Hoa nói.
Theo một công an thị trấn Yên Viên, hoạt động của các quán trá hình rất tinh vi. Họ rất ít khi tổ chức hoạt động mại dâm, nhân viên chỉ “kích thích” khách, nên rất khó bắt quả tang. Công an từng lập hồ sơ, đề xuất cơ quan chức năng truy tố một số trường hợp tái phạm nhiều lần, song không thực hiện được bởi quy định không cho phép.
"Chế tài xử phạt quá nhẹ, nếu kiểm tra phát hiện vi phạm lần đầu cũng chỉ phạt 200.000 đồng, tái phạm nhiều lần 500.000 đồng, số tiền đó chẳng là gì so với lợi nhuận", vị cán bộ này cho biết.
Theo thống kê, năm 2007, công an thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm đã xử lý 22 chủ quán cà phê kinh doanh vi phạm các lỗi: Không đăng ký tạm trú cho nhân viên, không đăng ký danh sách tiếp viên, không ký hợp đồng lao động và tiếp viên có hành vi kích dục. Đáng chú ý, công an huyện Gia Lâm bắt quả tang 3 đôi nam nữ đang hoạt động mại dâm ngay tại quán. |
Nguyễn Nguyên - Hà Anh