Chiến lược lấn sân sang thị trường cà phê của NutiFood thu hút sự chú ý từ giữa năm 2017, khi hãng công bố chi hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại Đắk Lắk, đặc biệt là nông trường cà phê Phước An.
Phước An là một trong những công ty dẫn đầu về truy xuất nguồn gốc cho vùng sản xuất cà phê, với vùng trồng gần 830 ha và quản lý hơn 1.400 ha có chứng nhận UTZ Certified.
Trong đó, có đồn điền CADA do người Pháp xây dựng từ năm 1922 đã nổi tiếng thế giới về chất lượng cà phê thơm ngon. Bằng cách đầu tư vào Phước An, NutiFood đã tính trước cho bước làm thương hiệu sản phẩm sau này, bước vào thử thách ở lĩnh vực mới với chuỗi khép kín từ trồng trọt, sản xuất đến chế biến và làm thương hiệu cà phê Việt.
Bên cạnh vùng nguyên liệu chất lượng cao, NutiFood sẽ đầu tư một nhà máy chế biến nhằm xây dựng thương hiệu cà phê gắn với xuất xứ địa lý Buôn Ma Thuột. Công ty cũng tận dụng các thế mạnh nghiên cứu phát triển, năng lực chế biến và kinh nghiệm thị trường sẵn có trong ngành sữa để gia tăng giá trị cho kênh sản phẩm cà phê.
Theo các chuyên gia, sở dĩ lĩnh vực cà phê Việt Nam vẫn hấp dẫn các "tay chơi mới" là vì dư địa để tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu còn rất lớn.
Hiện tại, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê và dẫn đầu toàn cầu về cà phê robusta nhưng giá trị mang về chưa tương xứng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 3,2 tỷ USD, chủ yếu đến từ việc bán cà phê nhân cho các nhà rang xay lớn trên thế giới. Sản phẩm sau khi chế biến sẽ mang thương hiệu của nhà bán hàng, nên nguồn lợi gia tăng mang về cho đất nước rất nhỏ. Theo nhận định của Hiệp hội Cà phê - Ca cao, cà phê Việt Nam chiếm đến 20% thị phần thế giới nhưng giá trị chế biến chỉ đạt khoảng 2%.
Ngay cả vùng nguyên liệu tiềm năng như Phước An, doanh thu hàng năm của công ty khoảng 300 tỷ đồng cũng chủ yếu đến từ xuất khẩu cà phê thô. Bằng cách đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trong quá trình canh tác, NutiFood hướng tới sự phát triển của các sản phẩm cà phê sạch và hữu cơ, có giá trị xuất khẩu cao hơn.
"NutiFood xác định đầu tư nông nghiệp là việc lâu dài và rất khó khăn, nhưng sẽ nỗ lực khuếch trương thương hiệu cà phê gắn với chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột ra thị trường trong nước và quốc tế", ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT NutiFood chia sẻ.
Tiềm năng thị trường còn ở ngay trong nước với quy mô tiêu thụ hàng năm lên đến 20.000 tỷ đồng, trong đó 65% thuộc về cà phê rang xay và 35% là cà phê hòa tan. Theo báo cáo quý III/2017 của BMI Research, trong 10 năm 2005-2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng khoảng 3,5 lần; từ 0,43 kg mỗi người một năm lên mức 1,38 kg. Dự báo mức tiêu thụ này tiếp tục tăng lên 2,6 kg mỗi người một năm vào 2021.
Trong khi, hệ thống trong chuỗi giá trị cà phê Việt Nam vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cả nước có hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu và khoảng 3.000 đại lý thu mua cà phê, trong đó khoảng 1/3 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu. Tính đến nay, mới có 19 nhà máy chế biến cà phê hòa tan với tổng công suất thiết kế gần 180.000 tấn mỗi năm (gồm 36.500 tấn cà phê hòa tan nguyên chất và 140.000 tấn cà phê hòa tan, phối trộn).
Mục tiêu của Bộ Nông nghiệp đến năm 2020 là tỷ lệ cà phê chế biến thành phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu chiếm hơn 25% trong tổng sản lượng cà phê nhân, so với tỷ lệ khoảng 10% hiện nay. Theo đó, sản lượng cà phê rang xay từ 26.000 tấn mỗi năm hiện nay sẽ tăng lên 50.000 tấn vào năm 2020.
Việc gia tăng sản lượng cà phê chế biến hay phát triển thương hiệu riêng là không dễ vì đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ đi từ hộ gia đình, thiếu nguồn vốn đầu tư lẫn kinh nghiệm tạo dựng thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp năng động cũng chỉ tập trung thương hiệu cà phê rang xay chứ khó đủ năng tham gia thị trường cà phê hòa tan. Các chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ những doanh nghiệp mạnh có năng lực phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu toàn cầu, với nguồn vốn đầu tư lớn và dài hơi mới có thể đưa ngành cà phê phát triển bền vững và mang về giá trị cao.
Tuy nhiên, miếng bánh thị trường này không phải chỉ có vị ngọt. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy cà phê nằm trong top 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, khi chiếm 18,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông sản và 10% của toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 30% GDP các tỉnh Tây Nguyên trong năm 2017.
Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cà phê đã giảm 6% so với cùng kỳ, ở mức 1,98 tỷ USD. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch nửa đầu năm biến động như vậy là do biến động giá và sản lượng của thị trường toàn cầu.
Nhiều năm nay, Bộ Nông nghiệp đã khuyến cáo người trồng "trẻ hóa" vườn cà phê để nâng cao chất lượng cà phê nhân và các doanh nghiệp hướng đến chế biến sâu để có giá trị gia tăng cao hơn, giảm áp lực phụ thuộc vào sự biến động của thị trường thế giới.
NutiFood có lợi thế trong ngành sữa với kinh nghiệm nghiên cứu phát triển, chế biến và kênh phân phối sâu rộng. Cơ hội và thách thức luôn song hành trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ những người tận dụng được cơ hội và biết cách khắc phục những hạn chế mới có chỗ đứng lâu dài trên thị trường.