Giữa tháng 12, nhiều rẫy cà phê dọc đường Hồ Chí Minh tuyến tránh TP Pleiku, đoạn qua huyện Ia Grai, đã thu hoạch xong, cây cối xơ xác. Còn lại những vườn mới thuê được nhân công, cà phê đã chín khô trên cây, thậm chí rụng quanh gốc.
Rẫy cà phê rộng hơn một ha của gia đình ông Bùi Đức Hùng, 51 tuổi, ở xã Ia Hrung cũng không phải là ngoại lệ. 10 ngày trước, khi thấy vườn cà phê của mình bắt đầu chín, sáng nào ông Hùng cũng chạy xe máy rảo quanh vùng, vào các nhà vườn thu hoạch sắp xong, ngỏ ý muốn thuê lại nhóm nhân công.
Nhưng sau khi xem qua vườn, tất cả lao động đều lắc đầu bỏ đi không chút do dự, dù ông đã cố gắng nài nỉ. "Họ chê cà phê ít trái, khô, hái không lợi công", ông Hùng nói. Ông sốt ruột, nhưng không biết trông cậy vào ai, khi vợ ông chán nản cây cà phê, bỏ đi làm công nhân may ở TP Pleiku mấy năm nay. Hai đứa con trai 19 và 21 tuổi học xong cấp 3 xong cũng theo học nghề điện.
Những năm qua, một mình ông phải lo chăm sóc hơn 1.000 cây cà phê giống Robusta, trồng từ 2005. Nào tưới, bỏ phân, tỉa cành, làm cỏ, phun thuốc..., đều do ông tự làm. Các vụ trước ông thu 15-20 tấn tươi, bán giá gần 8.000 đồng mỗi kg. Nhân công chỉ cần bước ra ngõ là thấy, năm ngoái, tiền hái khoán cao nhất 80.000 đồng cho 100 kg.
Nhưng năm nay, cũng diện tích trên, sản lượng chỉ còn trên 8 tấn, ông bán với giá thấp hơn năm ngoái khoảng 1.000 đồng một kg tươi. "Vậy mà nhân công lại đòi tiền công 120.000-130.000 đồng một tạ", ông Hùng nói.
Hôm rồi, ông Hùng chạy xe 50 km xuống tận TP Pleiku, may mắn thuê được bốn lao động ở Bình Định lên hái khoán, cứ một 100 kg họ được 100.000 đồng. So với bối cảnh hiện nay, mức tiền hái ấy vẫn cao, nhưng ông Hùng "bấm bụng" chịu, vì cà phê đã chín rục, lác đác rụng trong khi nắng nóng ngày càng gay gắt.
Những ngày tới, chủ vườn lo lắng không biết tìm thêm nhân công ở đâu để rút ngắn thời gian thu hoạch, nếu càng kéo dài, cà phê càng khô, giảm cân nặng. "Vụ này tôi đầu tư 70 triệu đồng. Với tình hình như hiện nay, tôi lỗ khoảng 20 triệu", ông Hùng nói.
Cách vườn ông Hùng khoảng 2 km, rẫy cà phê 5 ha của ông Nguyễn Văn Chương, 56 tuổi, xã Ia Dêr cũng đã chín đỏ, bắt đầu khô dần. Nhóm người đang tất bật thu hoạch. Cứ hai người một hàng, sau khi trải hai tấm bạt dưới một gốc cà phê, các công nhân mang bao tay, tuốt cà xanh lẫn cà chín. Khi hết một hàng, họ nhặt sạch lá, rác, rồi dùng xô xúc cà phê đổ vào bao.
"Nếu không có họ, chắc hàng chục tấn cà phê của tôi chín rụng xuống đất hết, lỗ nặng hơn", ông Chương nói.
Nửa tháng trước, vườn cà phê của ông bắt đầu chín, nhưng không đều. Ông dò hỏi người quen, "chốt" được hơn 20 lao động. Tuy nhiên, đến khi trái chín đỏ trên cây, họ vẫn không đến làm như thỏa thuận. Ông Chương nóng ruột, gọi "cứu viện" khắp nơi, hẹn được vài nhóm 4-6 người, song tất cả đều bỏ đi sau khi xem qua vườn. Chủ vườn cảm thấy mệt mỏi và tiếc nuối về thị trường lao động những mùa vụ trước.
Cuối tháng 10 năm ngoái, khi cà phê chín lác đác, hàng nghìn lao động từ đồng bằng ngược lên Gia Lai hái. Ông Chương nói chỉ cần ra bến xe hoặc dọc quốc lộ, và một vài cuộc điện thoại có thể thuê được nhân công. "Thậm chí họ mang theo hành lý vào tận vườn để xin việc", ông Chương nhớ lại.
Còn năm nay, những địa điểm ông Chương thường hay lui tới tìm nhân công vắng hoe. Thỉnh thoảng có vài người từ nơi khác đến nhưng đã có người thuê trước. Các con đường đất đỏ cạnh vườn vốn nhộn nhịp xe cộ, tiếng công nông chở cà phê ầm ĩ, nay lại vắng vẻ, ảm đạm.
Hôm 13/12, 10 lao động nhàn rỗi ở huyện Chư Păh đồng ý hái khoán cho ông. Với tốc độ và số lượng nhân công, ông dự tính khoảng 5 ngày nữa mới hái xong, thu khoảng 40 tấn tươi. Tất cả sẽ được tập kết lại một nơi để phơi khô.
"Vườn này ít trái, hạt nhỏ, nhiều cây đã chín khô trên cây nên cân nặng giảm. Cố gắng lắm vợ chồng tôi hái được 6-7 tạ một ngày", ông Siu Nhức, người làm công nói. Hai vợ chồng người Jarai này là nhân công tại địa phương. Họ đi hái cà phê vì đã cuối vụ mùa, không còn chỗ nào thuê nữa.
Hơn tháng nay, sáng nào vợ chồng ông Siu Nhức cùng nhóm lao động trong làng thức dậy lúc 5h, chuẩn bị cơm nước. Họ chạy xe máy đi các huyện Ia Grai, Chư Prông, Đăk Đoa, Chư Sê, Mang Yang hái cà phê. Mỗi ngày họ hái được 800-900 kg, tương đương tiền khoán 800.000-900.000 đồng, gấp đôi hái công.
Ông Nhức bảo, hàng chục năm nay, vụ mùa nào vợ chồng ông cũng cơm đùm gạo bới đi hái cà phê. Có vài năm, hai đứa con của họ cũng theo phụ giúp. Nhưng nay, một đứa đi học nghề, một đứa làm công nhân. Nhiều người trong làng đã bỏ đi làm ăn xa nên mới hiếm lao động hái cà phê.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Gia Lai, mùa thu hoạch cà phê các năm trước, tỉnh thu hút 7.000-8.000 lao động từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định. Nhưng năm nay nhân công hái cà phê giảm, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, lũ lụt đã tác động đến thời gian thu hoạch, gieo trồng của các tỉnh đồng bằng. Hàng nghìn lao động phải ở lại quê nhà để khắc phục hậu quả thiên tai và gieo sạ. Ngoài ra, sản lượng cà phê ở Đăk Lăk, Lâm Đồng... cao hơn, nên họ đến các tỉnh này để hái khoán, cho thu nhập cao hơn.
Mỗi năm Sở Lao động Thương binh và Xã hội mở hơn 20 sàn giao dịch việc làm, thường xuyên tuyên truyền và giới thiệu cho người lao động đến hái cà phê cho các nhà vườn. "Tuy nhiên số nhân công đều làm thời vụ nên chủ vườn chủ động tìm lao động", lãnh đạo Sở cho hay.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai cho biết, toàn tỉnh có trên 97.000 ha cà phê; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch hơn 80.000 ha. "Sản lượng vụ mùa năm nay không tăng nhiều so với niên vụ trước, tuy nhiên những vườn cà phê mới cho thu hoạch và già cỗi, năng suất thấp dẫn đến tình trạng thiếu nhân công", ông Có nói.
Niên vụ 2019-2020, diện tích trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hơn 600.000 ha, sản lượng đạt hơn 1,64 triệu tấn, với năng suất bình quân là 2,74 tấn mỗi ha; giải quyết một triệu việc làm và mang lại hơn 3,4 tỷ USD cho nền kinh tế.
Trần Hoá