Ngày 31/10, tại TP HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển Trung tâm WTO phối hợp với Sở Công thương TP HCM tổ chức hội thảo Đánh giá tác động sau hơn 2 năm thực hiện Hiệp định thiết lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AITIG).
Bà Cao Thanh Diệp, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, sau 2 năm Việt Nam tham gia ký AITIG, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được nhiều cam kết thúc đẩy xuất khẩu vào Ấn Độ. Cụ thể, Ấn Độ đã thực hiện một lộ trình giảm thuế cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như may mặc, dày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, than đá, cao su, sắt thép… Với lợi thế này, cộng thêm dân số trên 1,2 tỷ dân (đứng thứ 2 thế giới), bà Diệp kỳ vọng tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Hiện kinh tế Ấn Độ và Việt Nam có nhiều điểm bổ sung cho nhau. Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng tân dược, chất dẻo, máy móc, phụ tùng, các linh kiện điện tử, hóa chất của Ấn Độ, trong khi xuất khẩu sang nước này các mặt hàng chủ lực, có giá trị xuất khẩu cao. "Đáng lưu ý, Ấn Độ cam kết giảm thuế từ 90 – 100% xuống còn 45% đối với cà phê và chè đen; 50% đối với hạt tiêu của Việt Nam bắt đầu từ năm 2018. Đây là các mặt hàng được coi là khá nhạy cảm với Ấn Độ nhưng đã được nước này thông qua, là một tiến triển quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước”, ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết thêm.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là các mặt hàng thuộc danh mục loại trừ của Ấn Độ lại là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, như thủy sản, hàng rau quả, gạo, phương tiện vận tải, nguyên phụ liệu dệt may… Một số mặt hàng khác, như hóa chất, dược phẩm, tinh dầu, hóa mỹ phẩm, cao su… cũng thuộc danh mục hàng nhạy cảm mà Ấn Độ áp thuế cao.
Theo bà Hoàng Hoài Hạnh, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), về nguyên tắc của Hiệp định AITIG thì các bên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cụ thể về lộ trình thuế quan đã được thống nhất. Hiện Ấn Độ cam kết 24 điểm trong lộ trình cam kết giảm thuế, đã mở ra nhiều thuận lợi về thủ tục, cơ chế giải quyết tranh chấp, các biện pháp phi thuế quan, minh bạch hóa, chính sách, biện pháp tự vệ, ngoại lệ đối với các nước ASEAN. Tuy nhiên, riêng các mặt hàng nhạy cảm, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn cần phải kiên trì để đạt được các thỏa thuận cụ thể khi thâm nhập vào Ấn Độ, hiện là thị trường có sức mua hàng đầu thế giới.
Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM nhận định, dù cả Ấn Độ và ASEAN đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế, tuy nhiên Ấn Độ vẫn là đối tác quan trọng về thương mại đối với khu vực. Người tiêu dùng Ấn Độ đã dần quen thuộc với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. "Với tiềm năng thị trường lớn và môi trường pháp lý, kinh tế ngày càng thuận lợi, các doanh nghiệp Việt có thể tìm thấy nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Doanh nghiệp Việt nên mạnh dạn đưa hàng hóa tham dự các hội chợ triển lãm tại Ấn Độ; gửi bán tại các chợ, siêu thị và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng để quảng bá hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng Ấn Độ…”.
Đối với lĩnh vực năng lượng, hiện Ấn Độ có nhiều quan tâm tới thị trường Việt Nam. Theo ông Trần Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), các tập đoàn dầu khí lớn của Ấn Độ hiện đã có đầu tư vào Việt Nam, như công ty ONGC. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đầu tư ODA cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ của Việt Nam. Ông Huy cũng lưu ý, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh công tác tiếp cận thị trường, tập trung vào những nhóm mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh mà thị trường Ấn Độ có nhu cầu; tuy nhiên tránh tiếp thị, quảng cáo các nhóm mặt hàng không phù hợp với thói quen, tôn giáo và tín ngưỡng của người dân Ấn Độ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cần được thông tin nhiều hơn nữa về các chính sách kinh tế, thương mại và thông tin về thị trường của Ấn Độ.
Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM, ông Abhay Thakur khẳng định, Việt Nam là đối tác truyền thống của Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực, chắc chắn sẽ nhận được nhiều ưu đãi, cụ thể là giảm hàng rào thuế quan trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quản lý chất lượng nghiêm ngặt, cần tìm hiểu kỹ tập quán kinh doanh của các nhà nhập khẩu có uy tín, cũng như các nhà phân phối, doanh nghiệp Ấn Độ.
Theo Đại đoàn kết