Theo News, mang thai ngoài ý muốn, Q tham khảo ý kiến bác sĩ địa phương để phá thai rồi được chuyển tới một bệnh viện công. Các chuyên gia sản khoa nhận định em nên phá thai, Q vẫn phải chuyển hồ sơ đến Tòa án Tối cao Queensland để xin giấy phép khiến quy trình phá thai kéo dài hơn một tháng. Tuổi thai càng lớn thì Q càng gặp rủi ro cao khi làm thủ thuật phá thai.
Trên Tạp chí Y khoa Australia, Q trở thành trọng tâm của lời kêu gọi hợp pháp hóa phá thai. Hai tác giả Heather Douglas và Caroline Di Costa lập luận quyền phá thai sẽ giúp đỡ những trẻ gái dưới tuổi vị thành niên không may mang bầu ngoài ý muốn.
"Q muốn phá thai. Mẹ em cùng nhân viên xã hội đều ủng hộ. Các bác sĩ sản khoa cũng xác định Q đủ khả năng trí tuệ để đưa ra quyết định", Douglas và Di Costa viết. "Do thủ tục hành chính, việc xử lý thai chỉ được thực hiện sau khi Q yêu cầu một tháng, làm tăng tổn thương tinh thần cho cô bé đồng thời nhiều rủi ro sức khỏe vì thời gian mang thai bị kéo dài".
Đến nay phá thai vẫn bị coi là hành vi phạm tội tại một số vùng thuộc Australia như Queensland và New South Wales. Trường hợp của Q đã khiến giới chức Queensland xem xét chuyển phá thai từ hạng mục hình sự sang chăm sóc y tế. "Chúng tôi hy vọng tất cả bang sẽ hợp pháp hóa phá thai trong tương lai gần và đặt ra những quy định nhằm hỗ trợ y bác sĩ thực hiện phá thai", Douglas và Di Costa kết luận.
Minh Nguyên