- Sau hơn bốn tháng sinh con đầu lòng, cuộc sống của chị thay đổi thế nào?
- Hồi đầu, tôi cảm giác như bị nhốt trong lồng. Sáng nào tôi cũng phải dậy rất sớm và ăn hai quả trứng luộc. Các bữa trong ngày, tôi cũng phải tuân theo chế độ dinh dưỡng của các bà đẻ như thịt rang, móng giò... Tôi chỉ được đi lại trong nhà, đến giờ thì cho con ăn, ru con ngủ, rảnh được lúc nào thì lại tranh thủ tắm rửa, vắt sữa hoặc vệ sinh các dụng cụ. Cứ mỗi buổi sáng, thấy chồng là lượt quần áo, tôi lại thấy bực bội vì ghen tỵ với anh ấy. Tôi thầm nghĩ: "Tại sao anh lại được đi làm trong khi tôi phải ở nhà trông con?". Nhưng cũng may, thời gian ấy chỉ kéo dài trong 10 ngày, nếu kéo dài lâu hơn tôi nghĩ chắc mình bị trầm cảm mất.
Tôi cũng may mắn vì sau này có sự giúp đỡ của một vú em rất đảm đang. Cô ấy yêu thương và chăm sóc cho bé Soup (tên thân mật của con Kiều Anh). Nhờ đó, tôi không quá vất vả trong việc nuôi con. Thi thoảng, tôi có vài tiếng ra ngoài gặp bạn bè giải tỏa tinh thần trước khi về nhà tiếp tục những việc còn dang dở với con trai.
- Còn về tính tình của chị thay đổi ra sao?
- Tôi thấy mình sống bao dung và biết kiềm chế hơn. Ngày trước, nếu bị đánh thức lúc đang ngủ say, tôi dễ bị nổi khùng với mọi người xung quanh, nhất là chồng. Nhưng bây giờ, kể cả vào 2-3h sáng, chỉ cần nghe con khóc, tôi sẵn sàng bật dậy khỏi giường và vỗ về bé bằng những lời dịu dàng. Nhiều lúc tôi còn giật mình tự hỏi: "Chẳng hiểu sao mình lại trở nên thế này?".
Giờ ngẫm lại, tôi nhận ra tất cả khó khăn trong cuộc sống là vô nghĩa. Chúng không thể nào sánh bằng niềm hạnh phúc khi thấy nụ cười đáng yêu của con mỗi ngày, bằng phút bình yên những lúc nằm cạnh con khi bé đang ngủ say.
- Chị làm quen với nếp sống mới khi có con ra sao?
- Tôi không kiêng cữ quá mức, dù biết có thể chúng sẽ tốt cho sức khỏe của mình sau này. Tính tôi là vậy, không thoải mái thì không làm được. Nghe con khóc đã đủ áp lực rồi, nếu tôi còn phải chịu cảnh đi tất, bịt tai, không được tắm rửa.... thì không thể chịu nổi.
Tôi vẫn nhớ sau 10 ngày ở cữ, lần đầu tiên được ra đường, dù chỉ là đưa con đi khám, tôi ăn mặc đẹp nhất có thể. Tôi chọn một chiếc váy ngắn màu trắng, buộc tóc cao, đi giày thể thao, trang điểm thật kỹ để mình trông thật trẻ trung. Mẹ chồng tôi bắt gặp ở ngoài đường thì hốt hoảng mắng: "Con ơi sao lại ăn mặc như thế! Có biết không kiêng là sau này người dễ bị nổi da gà, chân nổi gân... lên không hả?".
- Chị nhớ nhất điều gì trong khoảnh khắc sinh con?
- Tôi sinh mổ nên hoàn toàn quyết định được việc sẽ để con chào đời vào thời gian nào. Trước khi sinh con, tôi vẫn còn cùng chồng đi xem phim ở đối diện bệnh viện. Khi ấy, tôi không nghĩ ngợi gì nhiều.
Đến lúc nằm chờ tới lượt mổ, suốt năm tiếng, tôi hồi hộp đến mức không tài nào chợp mắt được. Vào phòng mổ, tôi run cầm cập. Cũng may, ông xã luôn ở cạnh tôi để động viên tinh thần. Nếu không có anh ấy, tôi không biết mình sẽ run đến mức nào. Khi Soup chào đời, nghe tiếng con khóc oa oa, vợ chồng tôi cũng nức nở theo vì sung sướng. Bác sĩ còn phải nhắc tôi không được kích động quá nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình khâu vết mổ.
Chồng nắm tay tôi suốt thời gian ấy. Ngay cả lúc Soup chào đời, bác sĩ hỏi có muốn ra bế em bé không, anh trả lời: "Không, em phải chờ vợ khâu xong rồi tới chỗ con sau", tay vẫn nắm chặt lấy tôi. Tôi từng đọc một vài bài viết nói về việc sau khi sinh con, sản phụ dễ tủi thân vì bị gia đình lãng quên. Mọi người chỉ tập trung vào em bé. Tuy vậy, tôi thấy may mắn vì chồng luôn quan tâm đến mình.
- Ông xã giúp chị thế nào trong việc chăm sóc con trai?
- Anh ấy luôn cố gắng chia sẻ mọi gánh nặng với tôi. Thực ra, tôi không nỡ để anh phải vất vả thức khuya dậy sớm chăm Soup. Tuy vậy, nhiều khi trông con buổi đêm mệt quá, tôi không chịu được, vẫn phải lay anh dậy. Những lúc như thế, ông xã đều bật dậy tức thì để giúp đỡ tôi. Ban ngày, mỗi khi tôi nghỉ, chồng tôi cũng xắn tay bế và cho con ăn. Vợ chồng tôi thay phiên nhau để chăm sóc bé.
Chồng tôi sống hướng về gia đình. Anh không thích đi uống rượu, nhảy nhót ở các hộp đêm cũng như tụ tập bù khú với bạn bè. Có lần, tôi hỏi chồng nếu được chọn lại, liệu anh có sống như những người khác cho thoải mái hơn. Bởi tôi nghĩ chắc vì lấy tôi mà anh phải kìm nén bớt những thú vui khác. Nhưng anh nói không thích bởi "đã qua tuổi chơi bời" rồi.
Sau hơn hai năm kết hôn và bốn tháng có con, tôi thấy tình cảm vợ chồng vẫn không có gì đổi khác. Tôi nghĩ ông xã còn yêu tôi hơn cả con. Mỗi khi đi làm hoặc công tác xa, chồng tôi gọi điện về chỉ chăm chăm xem vợ có ổn không. Câu đầu tiên anh ấy luôn nói với vú em là: "Vợ cháu đã ăn gì chưa cô?".
* Ca nương Kiều Anh luôn giữ thẻ tín dụng của chồng