Đề án "Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025" đặt mục tiêu đến năm 2025 có ba trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Một lớp học nghề ở trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Xuân Hoa
Trường cao đẳng chất lượng cao (không gồm cao đẳng sư phạm) sẽ đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đảm bảo sinh viên ra trường có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chính phủ phát triển các trường chất lượng cao theo hướng mở, tức nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư cho trường để trở thành trường chất lượng cao, nhưng cũng khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để những trường khác được đánh giá, công nhận.
Theo đề án, đến năm 2020, 34 ngành, nghề sẽ được đào tạo thí điểm theo các chương trình được chuyển giao từ nước ngoài, sau đó sẽ mở rộng. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp các chương trình chuyển giao này sẽ được các tổ chức giáo dục đào tạo quốc tế có uy tín đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ.
Với những trường đạt chất lượng cao, Nhà nước sẽ ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách nhà nước.

Quy mô giáo dục nghề nghiệp hiện nay (click vào ảnh để xem chi tiết). Đồ họa: Tạ Lư
Dương Tâm