Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương sáng nay, đại tá Quang cho biết các tỉnh từ Bình Thuận trở vào Cà Mau tập trung rất nhiều tàu thuyền, lồng bè nuôi tôm. Riêng Bình Thuận đã hơn 7.000 tàu thuyền và thường đánh xuôi xuống phía nam. Hiện tại vùng biển nguy hiểm ngoài Trường Sa còn 48 tàu với khoảng 500 ngư dân.
Hộ đê ở Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt. |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Việt Thắng phân tích: "Áp thấp nhiệt đới hình thành ở biển Đông nếu phát triển thành bão thường rất nhanh, xoay trở không kịp. Vì vận tốc tàu thuyền của ta chỉ 10-15 km mỗi giờ, trong khi tốc độ của áp thấp là 20-25 km mỗi giờ. Hơn nữa, tàu thuyền chỉ chống lại với gió cấp 5, cấp 6-7 là có thể bị đánh chìm".
Đặc biệt lo ngại khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão và đổi hướng xuống phía nam, Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát lên tiếng: "Bão cấp 10 mà vào đồng bằng sông Cửu Long thì tanh bành". Sở dĩ ông Phát lo ngại vì đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Nam Bộ nói chung khá bằng phẳng, ít có bão nên người dân không có kinh nghiệm phòng chống.
Hiện diễn biến của áp thấp nhiệt đới rất khó lường. Sớm nay, trong khi Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho rằng áp thấp nhiệt đới theo hướng tây tây bắc, nhắm vào miền Trung thì đài Hong Kong nhận định bão quặt xuống phía Nam. Đại tá Phan Văn Quang đề nghị để tránh lặp lại Chanchu, cơ quan khí tượng Việt Nam cần tính tới khả năng áp thấp nhiệt đối đổi hướng xuống phía Nam để tàu thuyền biết đường trú ẩn.
Bản tin 11h30 trưa nay của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đã thể hiện sự thay đổi hướng đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF. |
Bộ trưởng Phát nhận định sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới buộc cả nước phải dàn trận chống đỡ. Miền Bắc nước sông, nước đồng đang rất cao. Trong khi đêm qua do ảnh hưởng của không khí lạnh, lưu vực sông Hồng và sông Đà có mưa to, dễ xuất hiện lũ. "Miền Bắc cần sẵn sàng cao nhất đối phó với ngập úng. Hoa màu ngập lâu không cứu được, giờ tập trung giúp dân những thứ cần thiết cho sinh hoạt. Ngành giao thông cần sẵn sàng ôtô gầm cao để di chuyển dân ở vùng ngập sâu", ông Phát đề nghị.
Quân đội sẽ là lực lượng nòng cốt bảo vệ đê. Ảnh: Bá Hoạt. |
Tại miền Trung, dù áp thấp nhiệt đới hay bão có vào hay không thì nó vẫn kết hợp với không khí lạnh gây mưa rất to, lượng mưa tới 200-400 mm và chắc chắn sẽ gây lũ lớn, ngập úng nặng. "Đề nghị các tỉnh cần sơ tán dân ở vùng ngập trũng. Với những vùng có khả năng bị cô lập, hôm nay và ngày mai, cần chuẩn bị lương thực dự trữ ít nhất 15 ngày. Xã nào cũng phải có phương tiện cứu hộ", ông Phát nói.
Đối với các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau, Bộ trưởng Phát yêu cầu Đài phát thanh, Đài truyền hình, Đài duyên hải cần liên tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, tốt nhất là vào bờ. Chi cục thủy sản các tỉnh phải kiểm đếm tàu thuyền ra khơi. "Nguy nhất là loại tàu cỡ trung bình, máy bộ đàm thiếu hoặc nếu có cũng không tốt", ông Phát lo lắng.
5h chiều nay, Bộ trưởng Phát sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau, thêm Hà Nội và Ninh Bình để bàn cách đối phó với áp thấp nhiệt đới.
Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và đổi hướng Theo bản tin 11h30 trưa nay của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, thay vì theo hướng tây tây bắc như dự báo sớm nay, trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới đi theo hướng giữa tây và tây tây bắc, vận tốc 20-25 km mỗi giờ và có khả năng mạnh lên thành bão. Sáng mai, tâm bão ở giữa biển Đông, mạnh cấp 8. Hai ngày tới, bão theo hướng tây, sau đó chuyển tây tây nam, vận tốc giảm còn 15-20 km mỗi giờ. Đến 10h ngày 9/11, tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 250 km về phía đông, cường độ duy trì cấp 8. Khu vực giữa biển Đông sẽ có gió xoáy cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8. Biển động rất mạnh. Áp thấp kết hợp với không khí lạnh gây gió đông bắc cấp 6-7 ở vịnh Bắc Bắc, vùng biển Trung Trung Bộ và khu vực bắc biển Đông. Các tỉnh Trung Bộ có mưa to. |
Hồng Khánh