Thông tin được nêu trong báo cáo của Bộ Xây dựng vừa công bố. Trong đó, số lượng chung cư khoảng 4.688 căn, nhà ở riêng lẻ 12.250 căn và đất nền là gần 9.000 sản phẩm.
Danh mục hàng tồn kho gồm bất động sản đã hoàn thành và loại đang triển khai dở dang. Trong đó, hàng tồn kho đã hoàn thành nhưng không bán được tập trung chủ yếu ở đất nền, nhà liền thổ tại thị trường vùng ven. Những sản phẩm này không được đón nhận vì mức giá bán cao, dự án pháp lý mập mờ hay rổ hàng có vị trí xấu.
Còn với phân khúc đáp ứng nhu cầu thực là căn hộ chung cư, lượng hàng tồn do ế khách mua, nhất là tại hai thị trường Hà Nội và TP HCM. Phần lớn sản phẩm đến từ dự án bất động sản đang xây dựng nhưng chưa xác định thời điểm ra mắt và những dự án triển khai dang dở phải tạm dừng bán hàng vì vướng pháp lý. Đây cũng là nhóm sản phẩm chính góp phần dẫn đến tình trạng tồn kho trên thị trường bất động sản khó giảm.
Trong bối cảnh trên, Bộ Xây dựng khuyến nghị doanh nghiệp địa ốc cần chủ động rà soát, tiết giảm chi phí, tích cực áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng để giảm giá thành sản phẩm phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ".
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên chủ động giải quyết các khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu để tiếp tục triển khai dự án, mở bán ra thị trường, tránh việc đầu tư dàn trải...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), đánh giá hàng tồn kho đang là núi nợ đè nặng lên những doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao. Khi không tạo ra thanh khoản, loại hàng tồn kho này sẽ bào mòn sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp. "Để nhanh chóng có phương án giảm áp lực hàng tồn, các chủ đầu tư cần lên chiến lược giải phóng, khả dĩ nhất là điều chỉnh giá", ông nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HoREA cũng kiến nghị các ngân hàng có thể hỗ trợ về lãi suất và chính sách tiếp cận vốn vay mua nhà thông thoáng hơn. Các cơ quan quản lý cần gỡ vướng về pháp lý, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào mở bán, giảm lượng hàng tồn.
Mặc dù tồn kho lớn, giá bán các sản phẩm nhà đất trên thị trường vẫn tiếp tục tăng, nhất là ở hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM.
Theo Bộ Xây dựng, quý III, giá chung cư Hà Nội, TP HCM tăng ở cả dự án mới và cũ. Trung bình giá sơ cấp tăng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm. Một số khu vực còn tăng cục bộ 35-40% chỉ trong vài tháng.
Phân khúc biệt thự, nhà ở liền kề tại thị trường Hà Nội có giá thứ cấp tăng 7% so với cùng kỳ, trung bình khoảng 160 triệu đồng mỗi m2. Còn TP HCM ghi nhận vài dự án thứ cấp ế khách, đã điều chỉnh giảm giá từ 3-4%, nhưng cũng có những dự án có lợi thế hạ tầng tăng giá 4-5%.
Phương Uyên