Thông tin được ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), cho biết tại Hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023, ngày 10/4.
"Bệnh án điện tử là mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi số, giúp bệnh viện quản lý minh bạch, khai thác dữ liệu và phục vụ nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn, song đến nay việc chuyển đổi rất chậm", ông Nam nói.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam có gần 1.500 bệnh viện công lập, hơn 300 bệnh viện tư nhân, gần 70.000 phòng khám tư. Song, đến đầu tháng 4, cả nước mới có khoảng 70 cơ sở y tế gồm công lập và tư nhân chuyển bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.
Các bệnh viện công lập mới nhất công bố dùng bệnh án điện tử là Phổi Trung ương, Sản Nhi Vĩnh Phúc, Tâm thần Yên Bái,... Các bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Huế..., chưa dùng bệnh án điện tử.
Ông Nam cho hay 70 bệnh viện trên là những nơi đã chính thức công bố bỏ bệnh án giấy. Thực tế, nhiều cơ sở y tế đang triển khai bệnh án điện tử nhưng không công bố do chưa đáp ứng đủ toàn bộ tiêu chí. Cấu phần của bệnh án điện tử chia thành 3 giai đoạn. Thứ nhất là số hóa bệnh án; thứ hai là các công cụ tạo lập và quản lý dữ liệu; thứ ba là tạo lập liên thông dữ liệu bệnh án điện tử.
"Đa phần các bệnh viện đã triển khai phần 1 và 2, nhưng liên thông thì cần nhiều yếu tố như hạ tầng, đòi hỏi đầu tư lớn, cũng là trở ngại để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang bệnh án điện tử, bỏ bệnh án giấy", Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia, nói.
Theo ông Nam, bệnh viện tuyến tỉnh tiêu khoảng 10 tỷ đồng để chuyển bệnh án điện tử. Với bệnh viện lớn tuyến cuối như Bạch Mai, Việt Đức, kinh phí này lớn gấp nhiều lần. Trong khi cơ chế chính sách, đặc biệt cơ chế tài chính liên quan chuyển đổi số chưa có, chi phí công nghệ thông tin chưa được đưa vào cơ cấu giá viện phí, tạo nên điểm nghẽn cho các bệnh viện.
Để khai thông, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều trong Thông tư 46 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, dự kiến trong tháng 4-5 sẽ ban hành. Theo đó, việc đầu tư triển khai theo từng giai đoạn, lộ trình, chi phí sẽ giảm, thay vì mức đầu tư "một cục" trước đây.
Bên cạnh đó, một số tiêu chí để cơ sở y tế công bố chuyển sang bệnh án điện tử cũng được giảm bớt, tạo điều kiện cho bệnh viện thuận lợi trong phê duyệt chủ trương đầu tư cho bệnh án điện tử. Ông Nam lấy ví dụ chỉ cần hoàn thành các bước số hóa hoặc tiêu chí công cụ tạo lập/quản lý dữ liệu, bệnh viện có thể công bố triển khai bệnh án điện tử, thay vì phải hoàn tất 3 giai đoạn như trước.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh chuyển đổi số là một trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế năm 2024, bắt buộc phải tập trung thực hiện và có kết quả tốt hơn. Bộ Y tế sẽ phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp, phương án kỹ thuật phát triển hạ tầng số y tế của địa phương; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành (khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, nhân lực, thiết bị y tế, dược) phân cấp từ trung ương đến địa phương.
Lê Nga