TP HCM đang trong đợt bùng phát dịch cộng đồng lớn nhất từ đầu năm 2020 đến nay. Tròn 20 ngày khởi phát đợt lây nhiễm mới từ 18/5, số ca Covid-19 tăng lên 376. Từ hôm qua đến sáng nay, thành phố ghi nhận thêm 43 ca nhiễm, chủ yếu liên quan ổ dịch trong nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Song ca mắc mới phần lớn đều đã cách ly. Tổng số người lấy mẫu xét nghiệm hơn 410.000, tính riêng từ 26/5 đến nay.
Trừ huyện Cần Giờ, 21 trong số 22 quận huyện còn lại của TP HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu đều ghi nhận các ca mắc liên quan ổ dịch này.
Tại quận Gò Vấp, nơi khởi phát của ổ dịch trong nhóm truyền giáo và đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, chính quyền lập thêm 26 chốt phụ tại các hẻm. Động thái nhằm kiểm soát người dân quận này né chốt chính để qua các vùng lân cận và ngược lại. Những ngày qua, các ca F0 mới tại Gò Vấp chủ yếu phát sinh từ F1, F2 trong khu cách ly. Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận, nhận định nếu không có ca mắc mới ở các phường chưa xuất hiện dịch thì khoảng 10 ngày tới tình hình Gò Vấp sẽ chuyển biến tốt.
Nhận định biện pháp phòng chống dịch trong một số cơ sở tôn giáo còn bất cập, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản gửi các tổ chức tôn giáo, đề nghị tạm dừng mọi sinh hoạt tập trung đông người tại nơi thờ tự. Địa phương hướng dẫn chức sắc, tín đồ thực hiện nghiêm quy định phòng dịch. Người đứng đầu, đại diện tổ chức tôn giáo, hội nhóm sinh hoạt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không chấp hành quy định khiến dịch bệnh lây lan.
Lý do Ban Tôn giáo Chính phủ ra văn bản bởi dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt liên quan ổ dịch tại nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Ổ dịch này lây lan gần hết các quận huyện TP HCM và 8 tỉnh thành khác. Từ nhóm này, một số tín đồ của tôn giáo khác cũng trở thành F1, F2, chưa phát hiện F0. Dự báo những ngày tới các ca nhiễm liên quan ổ dịch này vẫn sẽ tăng.
15 tỉnh thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình. Song dịch lại đang tái xâm nhập một số địa phương. Thanh Hóa, Quảng Bình mỗi tỉnh ghi nhận một ca tái dương tính Covid-19.
Hà Tĩnh sau 30 ngày không ghi nhận ca mắc mới tính từ 5/5, địa bàn "sạch" điểm phong tỏa, thì hôm qua thêm 5 ca, đều có dịch tễ liên quan vợ chồng "bệnh nhân 8425, 8427", quê TP Hà Tĩnh, là lao động tự do từ Bình Dương về.
Trong hai ngày 5-6/6, chính quyền Hà Tĩnh đã phong tỏa thôn Trung Tiến (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà); thôn Đoài Thịnh (xã Thạch Trung) và tổ dân phố 2 (phường Nguyễn Du); tổng cộng hơn 700 hộ dân để kiểm soát dịch. Một số dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn TP Hà Tĩnh như cắt tóc, gội đầu, điểm truy cập Internet... mới hoạt động trở lại được chục ngày lại bị tạm dừng. Cơ sở kinh doanh nhà hàng, cà phê chuyển bán mang về, bắt đầu từ 10h ngày 5/6 cho đến khi có thông báo mới.
Bắc Giang tổng số ca nhiễm đến sáng 7/6 đã lên 3.113, vượt kịch bản 3.000 ca dương tính mà Bộ Y tế yêu cầu tỉnh xây dựng. Song các ca mới chủ yếu được cách ly hoặc trong vùng phong tỏa từ trước. Dịch đang co cụm dần ở huyện Việt Yên. Liên tiếp nhiều ngày, báo cáo của Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh dự báo "số lượng ca nhiễm vẫn tăng do xét nghiệm lần hai, lần ba, song sẽ tăng chậm và giảm dần".
Hôm qua, chính quyền đã hoàn thành đưa 2.800 công nhân trọ trong thôn Núi Hiểu đi cách ly tập trung tại các cơ sở của huyện Việt Yên. Thôn nằm cạnh Khu công nghiệp Quang Châu, có hơn 8.000 công nhân thuê trọ được đánh giá là lõi dịch của Bắc Giang. Chính quyền đã "sơ tán" tổng cộng ba đợt, hơn 7.000 người. Còn lại gần 3.000 dân và công nhân vẫn ở lại thôn, đã được giãn mật độ tránh lây nhiễm chéo. Những người này đã được lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 5.
Tính đến 6/6, tỉnh hoàn thành tiêm 150.000 liều vaccine cho công nhân và tuyến đầu chống dịch, sớm hơn hai ngày so với kế hoạch. Với 240.000 công nhân làm việc tại sáu khu công nghiệp tập trung trong toàn tỉnh, Bắc Giang chọn cách tiêm vaccine cho người lao động để bảo vệ an toàn sản xuất lâu dài. Tỉnh đang đề nghị được phân bổ thêm 150.000 liều bởi số đã cấp vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêm chủng.
Bộ Y tế sáng nay cả nước ghi nhận 5.666 ca nhiễm trong nước ở 39 tỉnh thành, gấp ba lần so với đợt dịch hồi đầu năm ở Hải Dương, Quảng Ninh.
Hoàng Phương