Từ khi đợt dịch mới bùng phát hôm 27/4, đến nay cả nước ghi nhận 562 ca ở 26 tỉnh, thành. Riêng sáng nay 12/5, cả nước ghi nhận 33 ca trong nước, đều được phát hiện trong các khu đã cách ly, phong tỏa.
Về chủ trương chống dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chưa cần giãn cách xã hội bởi Việt Nam đang có khả năng kiểm soát, truy vết tích cực.
"Mấy ngày gần đây, Thủ tướng thường xuyên hỏi tôi, có cần các biện pháp mạnh hơn như giãn cách xã hội để chống dịch hay chưa? Với tư cách là Phó thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, tôi trả lời rằng: Chưa", ông Đam nói tại giao ban báo chí, sáng 11/5.
Phó thủ tướng phân tích, việc thực hiện mục tiêu kép phải luôn đảm bảo thăng bằng như đi trên sợi dây. Từ góc độ chuyên môn của những người làm trong ngành y tế và những người chống dịch, cách dễ nhất là đề nghị giãn cách xã hội sớm, khoanh vùng rộng nhất có thể, tuyệt đối cấm người nhập cảnh. "Nhưng chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng vì mục tiêu kép mà chúng ta đang kiên trì theo đuổi: Chống dịch và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Để cân nhắc giữa giãn cách xã hội và phát triển kinh tế, "đòi hỏi bản lĩnh của lãnh đạo các cấp, không chỉ là bản lĩnh chính trị mà phải dựa trên cơ sở khoa học".
Phó thủ tướng một lần nữa khẳng định Việt Nam kiên trì chiến lược "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực". "Những nguyên tắc đó đến giờ phút này không thay đổi", ông nói.
Chiến lược chống dịch nêu trên được đề ra từ năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, thực hiện nhất quán ở các cấp và "đến giờ phút này Việt Nam vẫn là nước chống dịch tốt nhất thế giới".
Hôm 11/5, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng khẳng định với VnExpress chưa "chưa có chủ trương thực hiện biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn". Quan điểm của lãnh đạo thành phố được đưa ra sau khi trên mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng Đà Nẵng chuẩn bị giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ.
Trước đó 6/5, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định "không có việc phong tỏa thành phố vào thời điểm này".
Như vậy đến nay, Hà Nội và Đà Nẵng là hai địa phương ghi nhận nhiều ca dương tính (Hà Nội 153 ca, trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 84 ca, 13 ca ở Bệnh viện K; Đà Nẵng 60 ca), nhưng lãnh đạo hai thành phố đều khẳng định không phong tỏa toàn thành phố ở thời điểm này.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trong nước, các chuyên gia y tế cho rằng số ca Covid-19 sẽ đạt đỉnh trong hai tuần tới, song dự đoán có thể thay đổi do một số yếu tố.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), dự đoán đường cong dịch tễ sẽ đạt đỉnh trong vòng hai tuần tới. Cơ sở để ông đưa ra dự đoán này là hiện nay gần như đã phát hiện được tất cả ổ dịch và khoanh vùng, cách ly những người liên quan, không còn ngoài cộng đồng nhiều.
Như vậy, trong hai tuần tới, từ số người đã được cách ly sẽ phát hiện các ca dương tính đạt đến số lượng cao nhất. Tuy nhiên, ca dương tính phần lớn nằm trong các khu khoanh vùng, cách ly nên sẽ không lây lan trong cộng đồng được nữa, từ đó số trường hợp mắc mới sẽ giảm dần.
"Để khống chế được dịch, phải ngăn chặn toàn bộ các F1, chặt đứt tất cả mối liên quan lây truyền bệnh", bác sĩ Hùng nói.
Trong khi đó, các đơn vị từ trung ương đến địa phương đang tích cực chống dịch. Bộ Quốc phòng đã kích hoạt hệ thống phòng chống Covid-19 ở mức cao nhất trong toàn quân. Trung tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Quốc phòng, nói Quân đội sẽ triển khai đầy đủ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Đến nay, tất cả đơn vị quân đội, nhất là Quân khu 3, Quân đoàn 2, Quân khu 5, 7, 9 đã rà soát, chuẩn bị cơ sở, sẵn sàng cách ly tập trung F1 khi dịch bệnh bùng phát với ca mắc tăng cao. Các bệnh viện dã chiến được chuẩn bị để tiếp nhận bệnh nhân.
Trên tuyến biên giới, hơn 1.800 tổ, chốt chặn thường xuyên duy trì với hơn 11.800 người, trong đó hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ biên phòng và hơn 3.600 người của các lực lượng chức năng khác. Toàn quân có hơn 64.000 người được tiêm vaccine Covid-19.
Bên cạnh việc phong tỏa các khu vực có ca dương tính, thần tốc truy vết F1, các địa phương tiếp tục dừng thêm dịch vụ không thiết yếu.
Tại Hà Nội, từ chiều 11/5, tất cả nhà hàng bia, quán bia, bia hơi trên toàn thành phố phải dừng hoạt động. Trước đó, tại cuộc họp ngày 10/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng một số loại hình ăn uống không thiết yếu, ví dụ bia hơi, nguy cơ làm lây lan dịch.
Như vậy, sau hơn 10 ngày ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng, đến nay Hà Nội đã cơ bản dừng hầu hết các dịch vụ không thiết yếu như: dừng tổ chức lễ hội, phố đi bộ; các dịch vụ bar, karaoke, vũ trường, game; cửa quán ăn, cà phê vỉa hè; cơ sở massage, spa, rạp chiếu phim, gym, sân vận động...
Việc xét nghiệm cũng được tiến hành trên diện rộng. Sau khi dịch bệnh "tấn công" vào 9 bệnh viện trong tuần qua, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ, trường đại học và bệnh viện tuyến cuối xét nghiệm nCoV toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà ở lại chăm sóc. Phương pháp xét nghiệm có thể gộp mẫu hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Tại Đà Nẵng, hơn 2.000 nhân viên Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được lấy mẫu xét nghiệm nCoV theo phương pháp gộp nhóm, nhằm phát hiện kịp thời ca nghi nhiễm trong cộng đồng. Tại TP HCM, 75 người liên quan "bệnh nhân 3298" cũng được lấy mẫu xét nghiệm, có 61 trường hợp xét nghiệm âm tính, 14 đang chờ kết quả.
Về tiến độ tiêm vaccine, đến nay cả nước đã thực hiện tiêm đợt 1 và 2 được 892.454 trong số 917.600 liều vaccine phân bổ, đạt tỷ lệ 97%. Tại Quảng Ngãi, 8 người sau tiêm vaccine Astra Zeneca bị khó thở, tức ngực, đau bụng, được xử lý kịp thời nên sức khỏe đã bình thường.