Sáng 15/3 tại TP HCM diễn ra buổi công bố giải thưởng Cánh Diều. Năm nay có 19 phim điện ảnh tranh giải, ngoài ra, còn có 20 phim truyền hình (tổng số 523 tập), 13 phim hoạt hình, 39 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 16 phim ngắn và 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.
Tất cả hạng mục đều từ chối nhận phim dự thi có kịch bản Việt hóa nước ngoài. Theo ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, giải thưởng nhằm khích lệ nền điện ảnh trong nước, do đó các phim có kịch bản Việt hóa không phù hợp mặt bằng chung. Năm ngoái, Em là bà nội của anh - phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử - không được tham gia do kịch bản gốc từ Hàn Quốc
Trong số 19 phim điện ảnh dự thi năm nay có trường hợp phim Vệ sĩ Sài Gòn - phim Việt Nam nhưng được thực hiện bởi đạo diễn người Nhật. Hội đồng đang cân nhắc loại tác phẩm này khỏi hạng mục về phim. Nhưng người Việt tham gia phim vẫn có thể tranh giải ở hạng mục cá nhân.
Ở buổi này, có nhà báo đặt câu hỏi về trường hợp của phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (ra mắt từ tháng 11/2015) và Cha cõng con (sẽ ra mắt tháng 4) đều được tham gia Cánh Diều năm nay. Ông Hải trả lời hội đồng có thể linh hoạt để cho các phim ra mắt vào cuối năm trước hoặc đầu năm sau có thể tham dự. Thời điểm nhà sản xuất gửi phim đi tùy vào chiến lược của họ.
* Teaser "Cha cõng con" - phim dự giải Cánh Diều dù chưa ra rạp
Thành viên ban giám khảo năm nay vẫn gồm nhiều gương mặt lớn tuổi. Phản hồi ý kiến đề cập đến việc trẻ hóa ban giám khảo để gần gũi hơn với các nhà làm phim trẻ, ông Hải cho biết thành viên hội đồng hiện tại vẫn có những người liên quan đến lớp trẻ, tham gia giảng dạy tại các Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TP HCM. Họ từng hướng dẫn nhiều luận văn đại học của trường điện ảnh nên hiểu được giới trẻ.
* "Trúng số" thắng lớn tại Cánh Diều 2016
Sau Tết Nguyên Đán vừa qua, giám khảo ở các hạng mục bắt tay vào chấm giải. Tiêu chí giải thưởng là: "Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực". Cơ cấu giải thưởng là giải Cánh Diều Vàng, Cánh Diều Bạc và bằng khen trao cho mỗi hạng mục phim. Ngoài ra còn có giải Cánh Diều Vàng cho cá nhân là người Việt (kể cả người Việt mang quốc tịch nước ngoài và người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam) tham gia thực hiện các phim có chủ sở hữu (hoặc đồng sở hữu) thuộc Việt Nam sản xuất.
Lễ trao giải Cánh Diều sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 9/4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, quận Tân Bình, TP HCM. Quyền Linh đạo diễn chương trình. Chia sẻ về công tác tổ chức, Quyền Linh nói năm nay anh đã bớt lo lắng do có sự tham gia của nhiều nhà tài trợ.
Danh sách 19 phim điện ảnh tham gia tranh giải Cánh Diều năm nay gồm có: Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng), Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn), Sút (đạo diễn Việt Max), Tấm Cám: Chuyện chưa kể (đạo diễn Ngô Thanh Vân), Chạy đi rồi tính (đạo diễn Nam Cito – Bảo Nhân), Fan cuồng (đạo diễn Charlie Nguyễn), Sài Gòn, anh yêu em (đạo diễn Lý Minh Thắng), Sứ mệnh trái tim (đạo diễn Đỗ Đức Thịnh), Chờ em đến ngày mai (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng), Truy sát (đạo diễn Ngô Quốc Cường), Nàng tiên có năm nhà (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu), Lộc phát (đạo diễn Lê Bảo Trung), Bảo mẫu siêu quậy 2 (đạo diễn Lê Bảo Trung), Phim trường ma (đạo diễn Vũ Thái Hòa), Cao thủ ẩn danh (đạo diễn Lê Khắc Hoài Nam), Tik Tak, anh yêu em (đạo diễn Trần Kamy), Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu (đạo diễn Nguyễn Hoàng Phúc), Vệ sĩ Sài Gòn (đạo diễn Ken Ochiai). Các phim điện ảnh được trình chiếu miễn phí cho khán giả TP HCM từ ngày 3/4 đến ngày 7/4 tại 5 địa điểm gồm: Rạp Cinebox, Cinestar Quốc Thanh, CGV Thảo Điền, BHD, Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh. Song song lễ trao giải, nhằm kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam (ngày 15/3/1953-15/3/2017), Hội Điện ảnh tổ chức các hoạt động đưa hội viên, nghệ sĩ về thăm Di tích điện ảnh Đồi Cọ tại tỉnh Thái Nguyên - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và huyện Mộc Hóa, Long An - nơi tác nghiệp của điện ảnh Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. |
Ân Nguyễn