Số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày ở Mỹ giảm từ 151.000 hôm 14/9 còn 106.000 ngày 29/9, tương đương 29%, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Số ca nhập viện cũng giảm tương tự trong những tuần gần đây.
Các nhà dịch tễ học đánh giá đây là dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta có thể đã qua đỉnh và không xuất hiện đợt bùng phát lớn khác như những lần trước. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh nCoV vẫn là mối đe dọa tiềm tàng do nhiều người chưa tiêm vaccine và nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.
"Liệu đợt bùng phát tiếp theo có lớn như lần này không? Chưa chắc, nhưng có thể. Vẫn còn 70 triệu người chưa tiêm vaccine, nhiều người trong đó chưa nhiễm, còn rất nhiều người là nguồn cho nCov lây nhiễm", Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói.
Tỉ lệ tiêm chủng của Mỹ chậm so với nhiều nước phát triển vì các lý do như chủ nghĩa hoài nghi, tôn giáo và chính trị, cũng như e ngại về cách đối xử phân biệt chủng tộc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Mỹ trước đây.
Xu hướng giảm ca nhiễm và nhập viện có thể do khả năng miễn dịch trong dân số gia tăng nhờ tiêm chủng hoặc thay đổi hành vi, như người dân đã quen với đeo khẩu trang, hạn chế đi lại và tụ tập đông người, theo nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo thuộc Đại học Johns Hopkins.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 44,5 triệu ca nhiễm, trong đó gần 720.000 người đã chết.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)