Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết kỹ thuật phẫu thuật nội soi "3 trong 1" thực hiện trên bệnh nhân 42 tuổi. Người phụ nữ này bị ung thư âm đạo ở vị trí 1/3 giữa, khối u kích thước khoảng 3x4 cm.
Cuộc mổ nội soi thành công sau 4 giờ căng thẳng, ngày 7/5.
"Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải thao tác nhuần nhuyễn khi nội soi vùng chậu, bởi cắt toàn bộ âm đạo dễ gây biến chứng rò bàng quang hay rò trực tràng", bác sĩ Tiến cho biết.
Theo bác sĩ, phương pháp nối dài âm đạo rất khó thực hiện dù là mổ hở. Khi phẫu thuật nội soi, kỹ thuật này càng khó hơn.
Một ngày sau mổ, bệnh nhân đã tỉnh táo, đỡ đau, vết mổ rất nhỏ bảo đảm thẩm mỹ. Hiện bệnh nhân đã có thể ăn và đi lại.
Theo bác sĩ Tiến, ung thư âm đạo là bệnh lý hiếm gặp, ước tính mỗi năm chưa đến 1/100.000 người mắc, chiếm khoảng 2% các bệnh lý ung thư phụ khoa. Bệnh thường gặp ở phụ nữ khoảng 50-60 tuổi, song ngày càng nhiều người trẻ hơn mắc bệnh. Nguyên nhân liên quan đến tình trạng nhiễm virus sinh u nhú ở người (HPV).
Phương pháp điều trị hiện nay gồm phẫu trị, xạ trị, hóa trị. Phẫu trị là vũ khí điều trị đầu tiên và quyết định sinh tồn cho bệnh nhân trong giai đoạn đầu và còn trẻ.
"Ca phẫu thuật thường khó khăn do vị trí bướu âm đạo liên quan phức tạp với nhiều cơ quan quan trọng trong vùng chậu như bàng quang, niệu đạo, trực tràng... Đây cũng là phương pháp điều trị gây tàn phá nhất cho bệnh nhân", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Nếu vùng mổ lấy u không đủ rộng, không đủ an toàn, ung thư dễ tái phát. Nếu phẫu thuật triệt để trong những trường hợp bướu to, lan rộng, cần cắt âm đạo gần như hoàn toàn hay cắt toàn bộ cơ quan trong vùng chậu. Khi ấy bệnh nhân phải chịu nhiều biến chứng như phải mở hậu môn nhân tạo hay mở đường tiểu ra thành bụng suốt đời, ảnh hưởng chất lượng sống, đời sống tình dục.