Ca mổ được truyền hình trực tiếp tại Hội nghị Khoa học và đào tạo thường niên năm 2020 của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, hôm 31/10, nhằm mục đích giảng dạy bác sĩ chấn thương chỉnh hình.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau và mất chức năng khớp vai phải. Hai năm nay, bà không thể dùng tay phải trong sinh hoạt hằng ngày như chải tóc, mặc áo... Hình chụp X-quang trước phẫu thuật cho thấy khe khớp vai của người bệnh bị hẹp do lớp sụn bị mài mòn, gai xương hình thành ở rìa mặt khớp, xơ xương dưới sụn. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị thoái hóa khớp vai bên phải mức độ nặng, do biến chứng của viêm khớp dạng thấp. Phương thức điều trị tốt nhất là thay khớp vai nghịch đảo toàn phần.
Cuộc phẫu thuật được Phó giáo sư, bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM và các cộng sự, thực hiện. Sau hơn hai giờ, ca mổ diễn ra thành công đúng dự định. Tiên lượng hậu phẫu người bệnh giảm đau, phục hồi chức năng khớp vai toàn diện, có thể vận động, sinh hoạt bình thường như trước.
Bác sĩ Khanh cho biết khớp vai vận động nhịp nhàng vì có hệ thống cơ. Trong đó, cơ lớn phía ngoài là cơ Delta, phía trong là gân cơ chóp xoay. Chức năng của chóp xoay là giữ vững cho chỏm xương cánh tay ép vào trong ổ chảo. Nhờ sự vận động của cơ Delta, khớp vai xoay linh hoạt. Khi khớp bị thoái hóa, người bệnh mất dần khả năng đưa tay lên cao, vòng ra sau, thậm chí dơ tay ngang người.
Trước đây, bệnh lý này dạng nhẹ có thể được xử lý bằng phẫu thuật thay khớp vai bán phần, toàn phần. Tuy nhiên, hai kỹ thuật này ít phát huy hiệu quả ở người bệnh ở giai đoạn nặng, như chấn thương gãy nát xương khớp vai, trật khớp vai tái diễn nhiều lần do chấn thương mà không thể mổ nội soi, u xương cánh tay, thay lại khớp vai...
Do đó, kỹ thuật thay khớp vai nghịch đảo toàn phần (hay đảo nghịch đảo Delta) được xem là bước tiến mới của ngành chấn thương chỉnh hình. Nó có tác dụng giữ chức năng của chóp xoay, giúp cử động của vai được toàn diện hơn, thời gian phẫu thuật ngắn hơn, việc tập vật lý trị liệu sau mổ dễ dàng. Người bệnh phục hồi vận động tốt sau phẫu thuật, thời gian xuất viện sớm hơn (chỉ khoảng một tuần sau mổ) so với các phẫu thuật thay khớp vai thông thường.
Theo bác sĩ Khanh, vài năm trở lại đây, với sự tiến bộ của khớp vai nhân tạo, phẫu thuật thay khớp vai nghịch đảo toàn phần trở nên phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Ca mổ cho cụ bà thành công, mở ra cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến cho cả bệnh nhân và bác sĩ Việt Nam.
Thư Anh