Nằm trong đường thở lâu ngày, chiếc móc khóa bằng kim loại đã ăn chắc vào mô phổi của bé, gây viêm các mô xung quanh, có dấu hiệu hoại tử, chảy máu. Phẫu thuật viên nghi ngờ dị vật đã làm thủng đường thở, xâm lấn vào mạch máu ở vùng trung thất tim.
"Nếu cố dùng kìm để gắp dị vật có thể gây vỡ mạch máu, thủng tim hoặc tràn khí ép tim, ngừng tim, bé có thể chết ngay trên bàn mổ", bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngày 23/4.
Ca mổ nội soi buộc phải dừng lại. Trong khi bé vẫn nằm trên bàn mổ nội soi, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn cấp cao, quyết định chuyển sang mổ mở lồng ngực kết hợp nội soi gắp dị vật.
Bác sĩ Như kể, nhiều năm trước ông đã chứng kiến một ca tai biến tương tự, vẫn còn rất ám ảnh. Khi ấy, dị vật là mảnh xương cắm sâu vào mạch máu bệnh nhân. Thời điểm đó, phương tiện chẩn đoán hình ảnh như CT scan chưa có, không thể đánh giá hết tình trạng bệnh. Lúc bác sĩ phẫu thuật cố rút mảnh xương ra, máu trong ngực bệnh nhân phun ồ ạt. Người bệnh tử vong trước mắt mà bác sĩ không thể làm gì.
Lần này, các bác sĩ chọn phương án vừa mổ hở lồng ngực vừa nội soi lấy dị vật, dự trù xảy ra tình huống dị vật gây xuất huyết hoặc ngừng tim, kíp mổ vẫn có thể can thiệp cầm máu, hồi sức tim kịp thời, bệnh nhi có cơ hội sống.
Trong cuộc mổ, ê kíp Ngoại Lồng ngực xẻ xương, mở vùng mổ quan sát trước, sau đó, ê kíp bác sĩ Tai mũi họng rút dị vật qua đường thở. May mắn, biến cố không xảy ra, bệnh nhi chỉ chảy một chút máu.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh nhi hồi phục sức khỏe tốt, phần thùy phổi giữa còn có dải xơ do xẹp lâu ngày, cần tập vật lý trị liệu và theo dõi thêm. Dự kiến, nếu tuân thủ đúng điều trị, khoảng một tháng nữa phổi bệnh nhi sẽ hồi phục hoàn toàn.
Chị Mai Thị Hồng Huệ, 35 tuổi, mẹ bé cho biết bé bắt đầu ho, khó thở từ trước Tết. Khám ở nhiều nơi, bác sĩ chẩn đoán bé viêm đường hô hấp, viêm phế quản, hen, uống thuốc không bớt. Buổi tối bé ho nhiều hơn, hơi thở ngày càng nặng nhọc.
10 ngày trước, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám. Phim chụp X-quang cho thấy một dị vật hai đầu sắc nhọn đang nằm giữa thùy phổi bệnh nhi gây viêm, ứ khí phổi. Nó được xác định là "dị vật đường thở bị bỏ quên", đã nằm trong cơ thể bé trai lâu ngày.
Theo các bác sĩ, trẻ em dưới 5 tuổi thường bị hóc dị vật đường thở nhất. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị cho khoảng 30-40 trẻ bị dị vật đường thở. Trong đó, khoảng một phần ba là dạng cấp thì phải xử lý gắp dị vật ngay. Còn lại đa phần là dị vật bỏ quên, các bác sĩ phải chuẩn bị kỹ hơn, đề phòng tình huống biến cố.
Cổ trẻ em ngắn hơn người lớn, nên dễ hít thẳng đồ ăn, đồ chơi ngậm trong miệng vào phổi. Dấu hiệu nhiều khi chỉ là trẻ ho, thở khò khè nên phụ huynh, thậm chí các bác sĩ không thăm khám kỹ dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm phổi, viêm phế quản... Dấu hiệu nặng hơn là trẻ ho sặc, tím tái, ngất xỉu, ngừng thở.
Bác sĩ Như khuyến cáo phụ huynh không để con chơi với đồ chơi quá nhỏ. Trẻ tò mò có thể ngậm đồ trong miệng, hoặc nhét vào mũi. Nếu không lấy dị vật đúng cách, chúng sẽ rơi vào phổi. Đặc biệt, cha mẹ không nên ép trẻ ăn khi con đang khóc. Khi con khóc, đường thở từ trên xuống dưới mở rộng hết cỡ, thức ăn hoặc xương lẫn trong thức ăn dễ dàng hít sặc thằng vào phổi.
Nếu phát hiện con hít sặc, nuốt dị vật, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện. Thông thường, thủ thuật nội soi được dùng để gắp dị vật. Những trường hợp đặc biệt, bác sĩ phải mổ hở như bệnh nhân trên.
Thư Anh