"Hương rừng U Minh" là sự kiện được tỉnh Cà Mau tổ chức vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 hàng năm, tại thị trấn U Minh, xã Khánh An, xã Nguyễn Phích, Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Theo đó, tháng 4 vừa qua, trong sự kiện "Hương rừng U Minh", tỉnh đã tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gồm: Lễ Tri ân Quốc tổ; Giải đua võ composite; Giải marathon Petrovietnam - Cà Mau 2021; ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Cà Mau 2021; Ngày hội "Bánh dân gian Nam bộ" năm 2021 với chủ đề "Sắc màu Đất Phương Nam".
"Dù đây là lần đầu tổ chức, kinh nghiệm còn non trẻ, nhưng sự kiện đã mang lại hiệu ứng tích cực, tạo sinh khí vui tươi và thu hút hơn 150.000 lượt người dân trong và ngoài tỉnh đến xem, tham gia các hoạt động", Ban tổ chức chia sẻ. Tại sự kiện này, du khách đã được tham gia khám phá U Minh, trải nghiệm chụp đìa thu hoạch cá đồng, theo chân thợ gác kèo ong vào rừng lấy mật, tham quan các vườn cây ăn trái, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của vùng đất U Minh.
Trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ; hoạt động vui chơi, giải trí với chủ đề "Trò chơi dân gian sông nước U Minh"; hội chợ thương mại tổng hợp với khoảng 60 gian hàng. Trong đó, nổi bật là hội thi ẩm thực các món ăn về mắm gắn với lễ trao chứng nhận kỷ lục Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam "Lẩu mắm U Minh", Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam "Mật ong rừng U Minh"...
Ban tổ chức cho biết thêm, sự kiện đã khơi dậy và phát triển những nét văn hoá, du lịch đặc trưng về con người và vùng đất U Minh; tạo điều kiện để các đơn vị tham gia sự kiện có dịp giao lưu trải nghiệm, khám phá những sản vật của rừng U Minh Hạ. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở một số địa phương vào những ngày cuối tháng 4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời điều chỉnh quy mô tổ chức để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sự kiện "Hương rừng U Minh" nằm trong chương trình "Cà Mau - điểm đến 2021", nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh tỉnh Cà Mau thông qua các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại đến với du khách trong và ngoài nước. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các tỉnh thành trong cả nước.
"Thông qua chương trình, Cà Mau xây dựng hình ảnh địa phương phong phú đa dạng về tiềm năng, giúp tỉnh khai thác tốt cơ hội, lợi thế trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó chú trọng phát triển thương mại, thu hút đầu tư, du lịch", ông Trần Xuân Trường - Trưởng phòng quản lý du lịch Cà Mau - cho biết.
Từ nay đến cuối năm, theo chương trình "Cà Mau - đểm đến 2021", tỉnh sẽ tổ chức cuộc chạy Marathon "Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại"; sự kiện "Lễ thượng cờ - Thống nhất non sông"; ngày hội "Cua Năm Căn Cà Mau" và các hoạt động gắn kết của sự kiện...
Ông Trường chia sẻ, sắp tới, Cà Mau tập trung xây dựng phát triển sản phẩm du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tăng cường công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước (Hà Nội, TP HCM, Ninh Bình, Đà Nẵng...) và mở rộng thị trường du lịch quốc tế.
Tỉnh sẽ phát triển đa dạng các sản phẩm theo loại hình du lịch thế mạnh như: sinh thái, cộng đồng, rừng, biển đảo, gắn với hệ thống sản phẩm du lịch từ nông nghiệp (thủy, hải sản), làng nghề truyền thống; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển.
"Từ các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch của sự kiện 'Hương Rừng U Minh' trong tháng 4 vừa qua, nếu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Cà Mau sẽ tiếp tục duy trì tổ chức sự kiện này hàng năm. Đây cũng là một trong những điểm nhấn của chương trình Cà Mau - điểm đến 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 4/2022", ông Trường nói.
Theo ông Trường, kinh nghiệm rút ra từ chương trình "Cà Mau - đểm đến 2021", tỉnh sẽ có điều chỉnh mở rộng quy mô tổ chức đối với một số sự kiện, điều tiết những hoạt động chưa mang lại hiệu ứng cao, thêm mới những hoạt động nhằm tạo sự mới mẻ và thu hút du khách hơn. Với lợi thế, Cà Mau có 2 vườn quốc gia, 2 hệ sinh thái ngập ngọt và ngập mặn, đây là tiềm năng du lịch lớn để tỉnh khai thác phát triển nhiều sản phẩm du lịch thú vị.
Ngoài ra, để các sự kiện đạt hiệu quả cao, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tỉnh còn tuyên truyền, thông báo rộng trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo, đài... về quy mô tổ chức các hoạt động, thời gian, địa điểm tổ chức trước khi sự kiện diễn ra ít nhất 2 tháng. Đây là cách giúp các đơn vị kinh doanh du lịch chủ động thiết kế tour giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.
Thư Kỳ (ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau)