Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, Cà Mau chịu ảnh hưởng lớn của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Trước tình hình này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản, tình huống, phương án phù hợp đễ sẵn sáng ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế...
Chủ động kiểm soát dịch bệnh
Khi dịch Covid-19 xâm nhập vào địa phương, Cà Mau triển khai phương án "ba mũi giáp công". Thứ nhất là, kiểm soát chặt người ra vào địa bàn tỉnh, xét nghiệm, sàng lọc thật nhanh, chính xác, tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng điều trị, cách ly hiệu quả. Thứ hai là, củng cố 101 "pháo đài" cấp xã, phường, thị trấn. Thứ ba là, tổ chức hoạt động có hiệu quả 5.861 tổ Covid-19 cộng đồng với gần 18.000 người tham gia.
Tỉnh đã ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trên địa bàn với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân; hạn chế các ca mắc, ca chuyển bệnh năng, tử vong; chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể...

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra việc thành lập bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến ngày 29/11, Cà Mau nghi nhận 8.840 trường hợp dương tính với nCoV. Trong đó, 4.579 người bệnh được điều trị khỏi; 38 trường hợp tử vong. Đến nay, Cà Mau là một trong những địa phương có số ca mắc và tử vong vì Covid-19 ít nhất tại đồng đằng sông Cửu Long.
Ban lãnh đạo tỉnh xác định việc xét nghiệm, sàng lọc cộng đồng là một trong "ba mũi giáp công" chống Covid-19. Thời gian qua, ngành y tế địa phương đã triển khai nhiều biện pháp xét nghiệm sàng lọc trong toàn dân, chủ động xét nghiệm trước một bước, không để khi phát hiện có ca nhiễm thì mới thực hiện.
Đến nay, địa phương đã thực hiện 374.269 mẫu xét nghiệm PCR cho 2,2 triệu người; xét nghiệm nhanh 911.378 mẫu cho hơn 2,6 triệu người. Qua đó, phát hiện, bóc tách hàng loạt F0 đưa đi cách ly điều trị.
Công tác điều trị được tập trung nguồn lực để giảm tử vong bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp. Địa phương đã thành lập các bệnh viện dã chiến, trang bị cơ sở vật chất phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó là 71 trạm y tế lưu động đủ điều kiện hoạt động quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 2.180 giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19, trong đó, 130 giường điều trị bệnh nhân tầng 3 (bệnh nặng, nguy kịch), 200 giường điều trị bệnh nhân tầng 2 và 1.790 giường điều trị bệnh nhân tầng 1. Tỉnh cũng tổ chức 13 cơ sở điều trị tăng cường với 1.440 giường và triển khai điều trị F0 tại nhà...
Lãnh đạo Sở Y tế Cà Mau cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 885.550 người, chiếm hơn 94% số người từ 12 tuổi trở lên. Trong đó, có hơn 702.852 trường hợp được tiêm đủ 2 mũi. Dự kiến đến 15/12, có ít nhất 95% dân số từ 12 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vaccine.
Về công tác an sinh xã hội, tỉnh hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm cho 63.637 lượt hộ khó khăn tại địa phương và 9 962 người đang tạm trú ngoài tỉnh với tổng kinh phí khoảng 22 tỷ đồng. Luỹ kế đến ngày 24/11, Cà Mau đã hỗ trợ 228.484 người dân với tổng kinh phí gần 265 tỷ đồng. Hỗ trợ theo Nghị quyết số 116 cho 66.890 lao động với tổng số tiền trên 115 tỷ đồng...
Thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải giãn cách xã hội trong thời gian dài cùng với tình trạng biến đổi khí hậu gây ra triều cường, sạt lở, ngập úng đã ảnh hưởng nặng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của tỉnh. Tuy nhiên, chính quyền cùng ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân tỉnh Cà Mau đã tích cực khôi phục phát triển kinh tế xã hội.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, uớc tính năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh) năm 2021 đạt 41.688 tỷ đồng, tăng 0,92% so với năm 2020. Khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 33,7% GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 29,4%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 32,6%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm tỷ trọng 4,3%.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp thuỷ sản ở Cà Mau.
Thuỷ sản vẫn là thế mạnh của Cà Mau với tổng sản lượng thủy sản năm 2021 ước đạt 613.700 tấn, tăng 3,6% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng tôm ước đạt 218.400 tấn bằng 97% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2020.
Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,1 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 54,3 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 ước đạt 18.873 tỷ đồng...
Ước thực hiện đến cuối năm 2021, Cà Mau đào tạo nghề cho 14.500 lao động, giải quyết việc làm cho khoảng 28.000 người. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,24%...

Sản xuất phân bón tại nhà máy Đạm Cà Mau.
Về thu hút đầu tư, ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Từ đầu năm đến nay, Cà Mau thu hút 32 dự án đầu tư mới với tổng vốn 9.080 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 424 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 136.240 tỷ đồng. Sở đã cấp 340 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với số vốn đăng ký 4.374 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 13.686 đơn vị, có tổng vốn đăng ký hơn 25.000 tỷ đồng.
Theo Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, địa phương đang kêu gọi đầu tư 49 dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại, đô thị, du lịch với tổng nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương có 2 dự án được Chính phủ đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài gồm Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển) có khả năng đón tàu có tải trọng đến 250.000 DWT, bằng với hình thức liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài, khoảng 3,5 tỷ USD. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu phí thuế quan Khu kinh tế Năm Căn (huyện Năm Căn) quy mô 800 ha, theo hình thức liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương đặt mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tận dụng các cơ hội và thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh phấn đấu tăng tưởng kinh tế 6,5-7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 21.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1,15 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người 5,9,5 triệu đồng; tiếp tục giảm 0,5 % tỷ lệ hộ nghèo...

Một góc đô thị Cà Mau.
"Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư", ông Bi nói. Tỉnh cũng tập trung thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo hướng tinh gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, ít tốn kém, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh...
Mục tiêu của tỉnh là nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030, từng bước cải thiện dần điểm số và thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bên cạnh đó, Cà Mau tập trung thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ngoài ra, địa phương còn chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ...
Cửu Long