Ngày 9/1, trong báo cáo tình trạng tranh chấp ngư trường trên vùng biển, chính quyền tỉnh Cà Mau cho biết, từ tháng 11/2023 đến nay số vụ gia tăng, dù các cơ quan chức năng đã tập trung xử lý. Trước đây, nguyên nhân là xung đột quyền lợi giữa nghề lưới kéo (cào) với nghề ốc bẫy mực (do cào làm hư ốc bẫy mực); trộm cắp ốc bẫy mực. Nhưng hiện nay đã phát sinh thỏa thuận giữa nhóm tàu cào với tàu ốc bẫy mực, dẫn đến có dấu hiệu chiếm ngư trường trái phép để trục lợi.
Nhóm tàu ốc bẫy mực sẽ chiếm dụng ngư trường, sau đó thu tiền rồi cho nhóm tàu cào vào khai thác. Ngoài ra, đã xuất hiện các nhóm người (xã hội đen) sẵn sàng dùng vũ lực, hung khí tấn công nhau để tranh giành ngư trường.
Theo thống kê, từ ngày 8/11/2023 đến 8/1 năm nay xảy ra 13 vụ tranh chấp, tập trung ở vùng biển huyện Trần Văn Thời và U Minh. Gần đây nhất, hôm 2/1, tàu do ông Trương Hoài Phong làm thuyền trưởng hành nghề ốc bẫy mực, đang neo đậu trên biển huyện U Minh thì 4 người trên vỏ composite (phương tiện di chuyển đường thủy) tiếp cận, dùng bom xăng tấn công.
Ông Phong cùng 4 ngư phủ may mắn thoát nạn. Tuy nhiên, hơn 20.000 con ốc bẫy mực và tàu bị cháy, chìm xuống biển; ước thiệt hại khoảng 2,7 tỷ đồng. Công an huyện U Minh đã chuyển vụ việc đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cà Mau điều tra.
Trước đó, ngày 8/11/2023, 3 tàu cá của tỉnh Kiên Giang (hành nghề cào, có 12 ngư phủ) hoạt động tại vùng biển cách cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, hơn 30 hải lý. Khi mọi người đang làm việc thì 2 chiếc vỏ lãi cùng một ghe hành nghề ốc bẫy mực tiếp cận, ném bom xăng, dùng súng tự chế bắn đạn chì vào tàu cá. Các ngư phủ bỏ chạy tán loạn, tìm chỗ nấp.
Khoảng 10 phút sau, những người tấn công bỏ đi, các ngư dân dập lửa và sơ cứu những nạn nhân trúng đạn ở chân, mặt. Công an tỉnh đã thành lập ban chuyên án, khởi tố 5 bị can.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công an tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các địa phương, điều tra xử lý các vụ việc để răn đe, giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Chúc Ly