Cụ thể, dự án sẽ xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp. Thông qua các giải pháp công trình và thuận theo tự nhiên, dự án góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng và thu hẹp rừng ngập mặn đến kinh tế xã hội của Cà Mau nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bên cạnh đó, dự án còn bao gồm tư vấn quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và thúc đẩy cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ biển. Dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2028.
Dự án được thực hiện từ nguồn vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) trị giá 19,17 triệu euro cho hợp phần đầu tư xây dựng hạ tầng. EU viện trợ không hoàn lại 3,76 triệu euro cho hợp phần hỗ trợ kỹ thuật thông qua Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên thiên nhiên (Quỹ WARM). Hỗ trợ của EU nhằm tăng cường năng lực của chính quyền địa phương trong quản lý vùng bờ biển, thực hiện các biện pháp thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân địa phương. Ngoài ra còn có 8,99 triệu euro từ nguồn vốn đối ứng của tỉnh.
Phát biểu tại lễ khởi động dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá cao sự hỗ trợ của EU và Chính phủ Pháp thông qua AFD trong việc triển khai các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tại tỉnh Cà Mau nói riêng. Việc triển khai dự án AFD sẽ giúp tỉnh Cà Mau xây dựng chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ biển Cà Mau, góp phần hoàn thiện chương trình quản lý tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long do Chính phủ triển khai, thúc đẩy phát triển bền vững cho toàn khu vực.
Ngay sau lễ khởi động dự án, sáng 7/12, Đoàn công tác của Đại sứ Pháp, EU, AFD tại Việt Nam đã có chuyến khảo sát thực địa. Đoàn khảo sát thực tế vị trí dự kiến đầu tư kè biển thuộc dự án tại cửa biển Sào Lưới thuộc xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Đoàn cũng gặp gỡ người dân tại khu vực kè - những người chứng kiến nguy cơ xói lở mất đất bờ biển và sự biến mất rừng ngập mặn.
Thông tin với đoàn, người dân địa phương cho biết, những năm qua tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến tình trạng sạt lở, xói mòn xảy ra và xâm nhập sâu vào đất liền, tác động trực tiếp đến đời sống và sinh kế của nhiều hộ dân.
Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2011-2023, sạt lở bờ biển đã làm mất khoảng 6.200 ha đất và rừng phòng hộ. Nhiều công trình như cống, đê biển, đường giao thông, bờ bao... bị hư hỏng, nhiều diện tích rừng ngập mặn bị mất, nhiều ao đầm tôm bị phá hoại. Sạt lở cũng đe dọa đến các khu du lịch của địa phương, làm nhiều nhà dân đã bị sập, hàng nghìn hộ dân phải di dời đi nơi khác... Những năm qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức hợp tác quốc tế, Cà Mau đã xây dựng hoàn thành được khoảng 78 km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 2.779 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện 25,6 km, với kinh phí 1.041 tỷ đồng (bờ biển Tây 18 km, kinh phí thực hiện 501 tỷ đồng; bờ biển Đông 7,6km, kinh phí thực hiện 540 tỷ đồng).
Theo cổng thông tin Cà Mau, những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ. Công trình kè các đoạn bờ sông, cửa biển đã khắc phục được tình trạng sạt lở đồng thời góp phần chỉnh trang mỹ quan, trật tự xây dựng công trình, nhà ở ven sông phù hợp với biến đổi khí hậu.
Kim Ánh