Theo Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau (chủ đầu tư), tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc dài 22 m, rộng 7 m, cao 7,2 m. Dự án cũng gồm các hạng mục: cầu, đường, bờ kè, bãi đậu xe, khu vực tổ chức sự kiện, hệ thống hạ tầng kỹ thuật...
Sông Ðốc là cửa biển lớn nhất và sầm uất nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, cửa Sông Đốc là một trong ba nơi được chọn làm bến tập kết đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc. Đây được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa to lớn trong đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Với giá trị ý nghĩa lịch sử của sự kiện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia đối với địa điểm tập kết ra Bắc 1954 tại bờ nam Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).
Trước đó, để chuẩn bị lễ kỷ niệm, Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo khoa học với chủ đề 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau – tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử; hoạt động tái hiện 200 ngày tập kết ra Bắc tại xã Trí Phải (huyện Thới Bình).
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại cho biết tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc là một trong những công trình có ý nghĩa lịch sử to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là một trong những dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ 17, nhiệm kỳ 2025-2030.
Chúc Ly