Trên cánh đồng 2ha của gia đình, ông Nguyễn Văn Cho (xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đang tất bật chuẩn bị đất cho vụ gieo sạ sắp tới. Khác với mọi năm, năm nay hộ gia đình ông Cho canh tác theo mô hình liên kết hợp tác với doanh nghiệp, theo sự vận động của UBND huyện. Thay vì tìm mua giống lúa trôi nổi tại địa phương, ông đang chờ phía công ty liên kết giao giống cũng như tập huấn phương thức canh tác.
"Mọi năm nhà tôi vẫn canh tác lúa - tôm nhưng mua giống trôi nổi bên ngoài không đảm bảo chất lượng. Giờ công ty hỗ trợ nguồn giống và kỹ thuật canh tác thì cũng mong năng suất cao hơn, chứ tự mình thì không thấy hiệu quả", ông Cho chia sẻ.
Cách đó không xa, hộ gia đình của ông Nguyễn Hoàng Tuấn cũng có 2ha tham gia vào chương trình liên kết doanh nghiệp - nhà nông để sản xuất gạo sạch. Ông Tuấn cho biết đã có nhiều năm áp dụng mô hình lúa - tôm vào sản xuất, nên không lo nhiều về phương thức, kỹ thuật chăm sóc.
Tuy nhiên, khi canh tác nhỏ lẻ, gạo của ông không đạt tiêu chuẩn, phải bán cho thương lái bên ngoài với giá bấp bênh. Trong khi vào mô hình hợp tác, ông được phía doanh nghiệp cam kết thu mua với giá thấp nhất là 6.600 đồng mỗi kg lúa. Nếu giá thị trường vượt cao quá mức này, công ty sẽ mua bằng với giá thị trường.
"Nông dân ở đây sợ nhất là đầu ra bấp bênh, bị thương lái ép giá. Nhưng giờ được đảm bảo đầu ra thì chúng tôi cũng an tâm sản xuất", ông Tuấn cho hay.
Do đặc thù sản xuất lúa - tôm, nên các cánh đồng ở đây đều chỉ canh tác một vụ mỗi năm. Vụ lúa xen canh nuôi tôm thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 8 dương lịch và thu hoạch cận Tết, để cung ứng nguồn gạo chất lượng cao cho tiêu dùng dịp Tết.
Trong những năm vừa qua, Cà Mau là một trong những địa phương đi đầu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển mô hình lúa - tôm. Theo số liệu của ngành nông nghiệp, nếu như năm 2000, diện tích phát triển lúa - tôm trên toàn vùng mới đạt 71.000ha, thì sang năm 2015 đã tăng lên 175.000ha. Nhiều nhất là Kiên Giang đạt 77.866ha, tiếp đến là Cà Mau 42.800ha, Bạc Liêu 29.400ha và Sóc Trăng 10.200ha.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm hoặc buộc phải chuyển đổi sang nuôi tôm để thích ứng. Vì vậy, diện tích nuôi tôm nước lợ những năm tới có khả năng mở rộng lên 800.000 đến một triệu ha.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá mô hình canh tác lúa - tôm đang phát triển mạnh do có nhiều lợi thế như chi phí đầu tư thấp, hiệu quả cao, lợi nhuận cao hơn 15-30% so với độc canh cây lúa hay tôm; giúp cải tạo môi trường theo hướng bền vững; ít dùng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, cho sản phẩm gạo và tôm sạch, được thị trường ưa chuộng...
Khảo sát của Tổng cục Thủy sản cho thấy năng suất bình quân của mô hình lúa - tôm khoảng 300-500kg tôm và 4-7 tấn lúa trên mỗi ha. Trung bình, người nông dân thu lãi 35-50 triệu đồng mỗi năm với một ha đất.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, mô hình canh tác lúa - tôm cũng bắt đầu xuất hiện những vấn đề hạn chế.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên cung ứng giống thủy sản cho biết, do lợi nhuận từ tôm cao hơn lúa nên người dân có xu hướng giữ nước mặn nhằm kéo dài vụ tôm, rút ngắn thời gian vụ lúa. Đây là nguyên nhân làm mất đi những ưu điểm về cân bằng sinh thái từ mô hình lúa - tôm mang lại.
Bên cạnh đó, năng suất lúa - tôm trong vùng sản xuất còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Nguyên nhân của vấn đề này, theo các chuyên gia nông nghiệp là do người nông dân canh tác theo kiểu tự phát, không qua kiểm soát chặt từ giống, vùng trồng, quy trình canh tác và những biến đổi thất thường từ khí hậu...
Hơn nữa, các hộ thường thu hoạch hoàn toàn thủ công, chưa có ý thức xây dựng thương hiệu cho vùng trồng, khó kiểm soát mùi thơm gạo thành phẩm... Đây là những trở ngại lớn cho các doanh nghiệp muốn tham gia thu mua, phân phối sản phẩm.
Do đó, từ cuối năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đã tìm hướng phát triển bền vững cho mô hình lúa - tôm. Đến tháng 5/2018, Ssở đã ban hành quy trình sản xuất lúa an toàn và thí điểm mô hình hợp tác sản xuất gạo an toàn.
Tính đến hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha tham gia mô hình thí điểm, tập trung tại huyện Thới Bình. Theo mô hình này, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, kết nối giúp công ty lựa chọn một số hộ nông dân để cấp giống, hướng dẫn canh tác lúa - tôm theo tiêu chuẩn cơ sở và quy trình sản xuất lúa an toàn vừa được sở nông nghiệp tỉnh ban hành. Phía doanh nghiệp cũng cam kết bao tiêu đầu ra, xay xát và tìm thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hạt gạo.
Như vậy, mô hình không những giải quyết được những hạn chế của việc canh tác lúa - tôm hiện nay mà còn đảm bảo giữ vững vùng nguyên liệu theo quy hoạch của cơ quan quản lý. Phía doanh nghiệp cũng có được vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng.
Theo ông Huỳnh Út Phi Châu, Tổng giám đốc Công ty CP Gạo Ông Thọ - một đơn vị tham gia thí điểm mô hình hợp tác vùng nguyên liệu sinh thái lúa tôm Cà Mau - thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp nhắm đến thị trường gạo sạch hiện nay là chưa có một vùng nguyên liệu ổn định. Các công ty phải tốn nhiều chi phí để tìm được nguồn gạo đúng tiêu chuẩn về chất lượng.
"Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến yếu tố sạch, cũng như phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Do đó, công ty phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa an toàn và cơ chế phối hợp xây dựng thương hiệu gạo cao cấp lúa - tôm tại Cà Mau", ông Châu cho biết.
Trong đó, cái được nhất trong mối hợp tác giữa nông nghiệp và nông dân là thúc đẩy giá trị hạt gạo. Giống lúa được chọn thí điểm mô hình là ST20 và ST24. Đây là các giống lúa được kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo và từng đạt nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Bên cạnh thích ứng tốt với điều kiện thời tiết biến đổi, năng suất ổn định, lúa còn cho hạt cơm có độ mềm dẻo và mùi thơm tự nhiên. Nhờ đó, gạo sau khi xay xát không cần bổ sung thêm hương liệu hay hóa chất bảo quản nên có giá thương mại cao.
Trở lại với những cánh đồng lúa - tôm tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Những ngày cận Tết, những người nông dân ở đây rất hồ hởi về vụ mùa vừa rồi. Bên cạnh yếu tố thời tiết thuận lợi, sự đồng hành của doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã giúp họ an tâm trong sản xuất, canh tác.
Nông dân Nguyễn Văn Cho cho biết, vụ mùa năm ngoái, gia đình ông chỉ thu hoạch được khoảng 4 tấn lúa cho mỗi ha. Nhưng với cách làm vừa được tập huấn, năng suất ruộng lúa năm nay của nhà ông đã lên đến 5 tấn mỗi ha.
Không những vậy, lúa sản xuất theo mô hình hợp tác với doanh nghiệp được thu mua với giá cao hơn thị trường. Khi giá trên thị trường đang dao động 6.200-6.500 đồng mỗi kg, thì ông Cho bán được với mức giá 7.200 đồng.
Đại diện Công ty CP Gạo Ông Thọ cho biết, mô hình liên kết vùng nguyên liệu sinh thái lúa - tôm này đem đến sản phẩm gạo an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất. Bên cạnh đó, mô hình còn mang tính trách nhiệm xã hội cao vì giữ được môi trường đất, nước, giúp hệ sinh thái phát triển tốt. Với khoảng 200ha liên kết trồng lúa - tôm với nông dân, dịp Tết này, doanh nghiệp sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 400 tấn gạo chất lượng cao.
Bên cạnh hai giống lúa ST20 và ST24, công ty còn có sản phẩm gạo lài KDM và gạo dẻo Gò Công. Các sản phẩm gạo đóng túi của đơn vị được thị trường đón nhận tốt, không chỉ tiêu dùng ngày Tết mà còn làm quà tặng người thân, bạn bè. Nhiều doanh nghiệp còn đặt gạo Ông Thọ với số lượng lớn để tặng nhân viên thay quà Tết.
(Nguồn: Công ty CP Gạo Ông Thọ)