Tai nạn xảy ra hôm 17/7 khi bé trai ở trên thuyền câu cá cùng với bố và hai người đàn ông khác ở ngoài khơi vùng biển phía tây bắc bang Tasmania, Australia. Sau khi con cá mập ngoạm bé trai và lôi xuống nước, người bố nhảy xuống theo để cứu con. Con vật nhanh chóng thả cậu bé ra sau đó, nhưng nạn nhân 10 tuổi vẫn bị nhiều vết rách ở tay, ngực và đầu.
Sau tai nạn, con cá mập gây ra vụ tấn công chưa được nhận dạng chính thức. Tuy nhiên, các nhân chứng báo cáo nó có kích thước rất lớn, nhiều khả năng là cá mập trắng. Cảnh sát Tasmania cũng phát cảnh báo có "cá mập lớn" ở vùng biển gần nơi tai nạn xảy ra.
Hôm 28/7, các nhà khoa học hải dương từ Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp của Khối Thịnh vượng Chung (CSIRO), một cơ quan của chính phủ Australia, kết luận con cá mập trong tai nạn là cá mập trắng, dài khoảng gần 4 m. Ở thời điểm xảy ra vụ tấn công, cậu bé mặc áo phao. Chiếc áo bị hỏng do cá mập cắn trúng. Thông qua phân tích dấu vết trên áo, nhóm nghiên cứu CSIRO có thể xác định chủng loài và kích thước của con cá mập. "Sự việc cho thấy tầm quan trọng của việc mặc áo phao vừa vặn. Chính điều đó kết hợp với hành động dũng cảm của người bố đã giúp cứu sống cậu bé", cảnh sát Tasmania chia sẻ.
Chris Black, chuyên gia về cá mập ở Australia, suy đoán vụ tấn công đáng sợ này có thể xảy ra do con cá mập tò mò về cậu bé. "Cá mập là động vật kiếm ăn cơ hội, nó sẽ lần theo mùi trong nước hoặc bất kỳ hình bóng nào mà nó cho là con mồi. Khi đó, bản năng săn mồi tự nhiên của nó sẽ trỗi dậy. Cá mập không có ý định ăn thịt người. Chúng ta không nằm trong chế độ ăn thông thường của nó", Black nói.
Các vụ cá mập tấn công người vô cùng hiếm gặp. Trên thực tế, chỉ có 64 vụ tấn công được xác nhận trên thế giới trong năm 2019 và 5 vụ trong số đó có người tử vong, theo cơ sở dữ liệu International Shark Attack File (ISAF) của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida. ISAF cho biết tỷ lệ bị cá mập tấn công là 1/3,7 triệu người.
An Khang (Theo Newsweek)