Cá mập mang xếp được ghi hình ngoài khơi Nhật Bản. Video: YouTube.
Các nhà khoa học bắt loài sinh vật tiền sử đặc biệt hiếm gặp, cá mập mang xếp hay còn có có tên khoa học là Chlamydoselachus anguineus. Loài "hóa thạch sống" này đã xuất hiện trên hành tinh từ 80 triệu năm trước. Hàm răng sắc nhọn và bộ hàm linh hoạt khiến chúng trở thành nguyên mẫu cho các truyền thuyết về rắn biển.
Các nhà khoa học châu Âu làm việc ở ngoài khơi Bồ Đào Nha phát hiện cá mập mang xếp mắc lưới khi đang tiến hành nghiên cứu giảm thiểu bắt phải các loài ngoài ý muốn trong đánh cá thương mại. Viện Biển và Khí quyển cho biết con cá mập đực dài 1,5 mét và có 300 chiếc răng nhọn xếp thành 25 hàng.
Dù tồn tại với số lượng lớn ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, loài vật hiếm khi được bắt gặp bởi chúng trú ngụ gần đáy biển. Nhóm nghiên cứu kéo con cá lên từ độ sâu 700 m bên dưới mặt nước ngoài khơi thị trấn Portimao của Bồ Đào Nha.
Cá mập mang xếp vẫn lưu giữ nhiều đặc điểm nguyên thủy như cơ thể giống lươn màu nâu sẫm với vây lưng, vây xương chậu và vây hậu môn ở cuối cơ thể. Chúng bắt mồi bằng cách uốn cong mình và lao thẳng về phía trước như một con rắn.
Một loài họ hàng thậm chí còn khó gặp hơn của Chlamydoselachus anguineus là loài Megachasma pelagios (cá mập miệng rộng). Trên thế giới mới chỉ có 63 trường hợp bắt gặp cá mập miệng rộng được xác nhận. Một mẫu vật dài 4,6 mét dạt vào bờ biển Philippines hôm 2015.
Phương Hoa