Phát hiện mới về cá mập phơi được xem là tin tức bất ngờ. |
Cá mập phơi (Cetorhinus maximus) cư trú trên nhiều vùng biển, đặc biệt ở miền ôn đới, với thức ăn là phù du. Cơ thể chúng dài tới 12 mét, nặng gần 4 tấn, và là loài cá lớn thứ hai trên thế giới. Hầu hết thời gian loài cá này nổi hoặc chỉ hơi chìm dưới mặt nước. Các nhà khoa học vẫn cho rằng chúng ngủ đông trong những vùng nước sâu khi thức ăn khan hiếm, bằng cách ngả mình dưới các khe ở thềm lục địa.
Nhưng nay, tiến sĩ David Sims, thuộc Hiệp hội khoa học biển Anh, cho biết: “Chúng tôi có thể chứng minh rằng loài cá mập này chẳng hề ngủ đông chút nào. Thay vào đó, chúng lùng sục thức ăn quanh năm". Ba năm qua, tiến sĩ Sims và cộng sự đã kiên trì theo dõi đường đi của cá mập phơi trên vùng đông bắc Đại Tây Dương qua vệ tinh. 21 con cá mập được gắn thẻ đã gửi về cho nhóm khoa học những thông tin bất ngờ.
Loài cá mập này không những không ngủ đông trên đáy đại dương như nhiều người phỏng đoán, mà chúng còn lặn xuống độ sâu không ai ngờ tới và thực hiện những hành trình tìm kiếm thức ăn rất xa. Trong số cá mập được theo dõi, người ta đã thấy một con bơi trong 76 ngày, qua hàng nghìn km, để tới được bãi phù du. Một con khác thì lặn xuống 750 mét, sâu hơn nhiều so với tưởng tượng trước đây.
Các nhà khoa học hy vọng, nghiên cứu mới sẽ giúp họ tìm ra đặc điểm thực sự của loài vật có nguy cơ tuyệt chủng này và hỗ trợ trong việc bảo tồn chúng. Cho tới nay, cá mập phơi được bảo vệ trong bán kính 20 km cách bờ biển nước Anh. Nhưng vì tầm hoạt động thực tế của chúng rộng hơn nhiều, nên các nhà quản lý sẽ phải chuyển ranh giới các khu bảo tồn ra xa hơn nữa.
B.H. (theo BBC)