Viện Nghiên cứu Khí quyển và Nước Quốc gia New Zealand (NIWA) thông báo, phát hiện cá mập ma sơ sinh vô cùng hiếm gần đảo Nam của New Zealand, Live Science hôm 17/2 đưa tin. Nó có cơ thể tương đối trong, giống thạch và chiếc đầu nhọn với cặp mắt đen lớn.
Sinh vật nhỏ nhiều khả năng thuộc một trong hơn 50 loài cá mập ma đã biết sống ở các vùng biển sâu trên thế giới. Dù không hoàn toàn là cá mập, cá mập ma có họ gần với cả cá mập lẫn cá đuối, đều là cá với bộ khung cấu tạo từ sụn thay vì xương, theo NIWA.
Cá mập ma sơ sinh mắc lưới trong một chuyến khảo sát của NIWA ở độ sâu khoảng 1.200 m dưới biển nhằm đánh giá số lượng một loại cá địa phương khác gọi là hoki.
Nhóm nghiên cứu NIWA cho biết, phôi cá mập ma phát triển trong những quả trứng nằm dưới đáy biển. Tại đó, phôi sẽ ăn lòng đỏ trứng cho đến lúc nở. Với kích thước nhỏ và môi trường sống rất sâu, các nhà khoa học rất hiếm khi nhìn thấy cá mập ma con.
"Có thể thấy con cá mập ma này mới nở vì bụng nó chứa đầy lòng đỏ trứng. Thật ấn tượng. Phần lớn cá mập ma biển sâu là mẫu vật trưởng thành, cá mập sơ sinh hiếm khi được phát hiện nên chúng tôi biết rất ít về chúng", Brit Finucci, nhà khoa học về sinh vật biển tại NIWA, nói.
Nhóm nghiên cứu dự định thực hiện những cuộc kiểm tra gene trên cá mập con xem nó thuộc loài cá mập ma nào. Sau đó, họ có thể so sánh với dạng trưởng thành của loài này để hiểu thêm về sự thay đổi của màu sắc, kích thước và thói quen ăn uống từ giai đoạn sơ sinh đến trưởng thành.
Thu Thảo (Theo Live Science)