Cá mập Greenland sống ở vùng nước sâu dưới đại dương. Video: One World One Ocean.
Các nhà khoa học Na Uy, Đan Mạch, Greenland, Mỹ và Trung Quốc nghiên cứu mẫu vây của gần 100 cá mập Greenland, bao gồm một số cá thể sinh ra từ những năm 1750, để tìm "gene sống lâu" ở loài có vòng đời lên đến 392 năm, News.com.au ngày 6/7 đưa tin.
"Đây là loài động vật có xương sống sống thọ nhất hành tinh", giáo sư Kim Praebel tại Đại học phương Bắc Na Uy, người dẫn đầu cuộc tìm kiếm, nói. "Chúng tôi đang nghiên cứu toàn bộ ADN nhân tế bào để hiểu lý do chúng sống lâu hơn các loài cá mập và động vật xương sống khác".
Các gene "sống lâu" nếu được tìm thấy có thể giúp các nhà khoa học hiểu giới hạn vòng đời của phần lớn động vật có xương sống và yếu tố chi phối tuổi thọ trung bình ở các loài khác, bao gồm con người.
Các mô, xương và ADN của cá mập Greenland cũng có thể cung cấp manh mối về tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Cá mập Greenland sống phổ biến ở các vùng nước sâu phía bắc Đại Tây Dương, có tên khoa học Somniosus microcephalus, thuộc họ cá mập Somniosidae đã tồn tại trên Trái Đất khoảng 110 triệu năm.
Vũ Phong