Theo CNN, Annie MacAulay phát hiện một con cá dạt vào Catalina, cù lao ven biển Los Angeles, khi đang dẫn các em nhỏ tham dự khóa học chèo thuyền kayak.
MacAulay cho biết, cô sống trên cù lao này đã 20 năm, và chưa từng nhìn thấy con cá mái chèo nào trước đó. Cô là chủ tịch và giám đốc điều hành một tổ chức du lịch mạo hiểm phi lợi nhuận nâng cao nhận thức về môi trường.
"Đúng là trời định tôi có mặt ở đó," MacAulay nói. "Tôi thường làm những việc khác ở trụ sở, chứ không ra ngoài bãi biển." Con cá vẫn nằm trên bãi biển phía tây hòn đảo. Tuy nhiên, đuôi và mắt của nó đã bị chim và các loài động vật khác ăn mất.
Chính quyền không biết tại sao con cá chết và trôi dạt lên Catalina. Loài cá này thường sống ở vùng nước sâu dưới biển, hiếm khi xuất hiện trên mặt nước.
"Cá mái chèo thường sống ở vùng nước sâu hơn 900 m. Do đó, các nhà khoa học vẫn chưa tìm hiểu được nhiều về đặc tính hay số lượng loài này," Viện hàng hải Catalina cho biết hồi tháng 10/2013, khi một con cái mái chèo dài gần 5,5 m cũng trôi dạt lên đảo.
Cá mái chèo khổng lồ (Regalecus glesne) được mô tả lần đầu tiên vào năm 1772, tuy nhiên rất hiếm khi bị bắt gặp vì chúng có thể sống ở độ sâu khoảng 1.000 m so với mặt nước biển. Theo các nhà khoa học, đây là loài cá xương dài nhất còn sống trên thế giới, với chiều dài có thể đạt được là 17 m và có thể nặng tới 270 kg.
Cá mái chèo trôi dạt bờ biển có thể do hoạt động địa chấn, nhưng cũng không loại trừ các yếu tố không liên quan đến động đất như hạ âm sinh ra từ hoạt động của tàu ngầm quân sự, hay ô nhiễm môi trường nước.
Hồng Hạnh